CÓ THỨ ĐAU ĐỚN GỌI LÀ HẠNH PHÚC – TRẢI NGHIỆM CỦA TÔI TẠI NHẬT!

Hạnh phúc trong tôi thường gắn với những tiếng cười, đôi khi là những giọt nước mắt. Có bao giờ hạnh phúc đến từ đau đớn không nhỉ? Câu hỏi này bất chợt khiến tôi nghĩ về ngày hôm ấy, tất cả như một thước phim quay chậm trong tôi.
Hôm đó là một ngày cuối xuân tại Nhật Bản, nơi tôi đang làm nghiên cứu sinh năm thứ 3 tại trường Okayama. Trời nắng nhè nhẹ cùng với làn gió mát rượi như đang reo vui cùng với trái tim đang rộn ràng trong tôi. Làm sao tôi không hạnh phúc được kia chứ khi bác sỹ vừa thông báo, chỉ khoảng một tuần nữa, tôi sẽ chính thức được làm mẹ. Như những lần đi khám trước, tôi vẫn đạp xe lên trường để tiếp tục công việc của mình. Mang bầu tháng thứ chín, nhưng tôi chưa hề xin nghỉ một ngày nào ở lab, bởi tôi luôn tin có một bạn nhỏ luôn đồng hành và cổ vũ tôi mỗi ngày. Chín tháng trôi qua, đã để lại trong tôi biết bao trải nghiệm thật mới mẻ, vừa đảm nhiệm vai trò của một nghiên cứu sinh với những áp lực về nghiên cứu, những báo cáo ngày nối ngày, vừa phải đảm nhiệm vai trò của một người phụ nữ lần đầu mang thai với những kiến thức về mang thai và sinh nở chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Suốt thời gian đó, cảm xúc hạnh phúc tràn ngập trong tôi là phần nhiều nhưng không thể phủ nhận có những lúc tôi cảm thấy mình muốn gục ngã. Gục ngã không phải vì một mình phải xoay sở mọi thứ khi phải xa gia đình, xa người thân (chồng tôi chỉ có thể tranh thủ về được vào những ngày cuối tuần khi không phải làm thí nghiệm) trong giai đoạn này, mà còn bởi vì những hoang mang cho chặng đường phía trước ở nơi xứ người. Đã có lúc tôi còn hoài nghi về bản thân, liệu mình có thể trở thành một người mẹ tốt??? Thật may mắn, ở Nhật có những ưu ái thật nhiều dành cho mẹ và bé. Là khi lần đầu tiên tôi đến văn phòng hỗ trợ bà mẹ và trẻ em để nộp giấy tờ chứng minh mình đang mang thai, cả văn phòng lúc đó đã đứng lên vỗ tay chúc mừng tôi, sự nồng nhiệt và ấm áp ấy khiến tôi mãi không bao giờ quên, tôi cảm thấy việc mang thai thật thiêng liêng và tự hào biết bao. Sau đó, các cô thuộc hội bà mẹ và trẻ em ở khu vực tôi đang sống đã hẹn và đến thăm gia đình tôi để xem điều kiện sống hiện tại của tôi, sau đó các cô vấn rất kỹ lưỡng từ cách sinh hoạt thường ngày và tất cả những thắc mắc của mình. Tôi cảm thấy yên tâm biết bao! Từ đó, tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trong hành trình làm mẹ sắp tới của mình, dù có những lúc hơi mệt, tôi luôn tự nhủ rằng, mình phải cố gắng lên nhé, để bạn nhỏ ấy thấy mẹ bạn ấy cũng dũng cảm đến nhường nào 😀
Lại trở về với ngày hôm ấy, khi làm việc tới chiều, tôi cảm thấy đói và muốn được ăn cơm ở nhà, vì thế tôi tạm dừng công việc của mình để về với dự định sẽ quay lại lab để chuẩn bị cho cuộc họp với giáo sư vào ngày mai. Về đến nhà, tôi bỗng thấy trong người như có một luồng điện và thật nhanh những dấu hiệu chuyển dạ bắt đầu. Vì đã nghiên cứu “lý thuyết” khá kỹ, sau 2 tiếng theo dõi các dấu hiệu và đợi chồng tôi trở về từ Kyoto. Tôi bắt đầu gọi cho cô tình nguyện viên người Nhật tên là Nakamura để nói về các dấu hiệu sinh, cô lập tức gọi cho bệnh viện, rồi thông báo, tôi nên nhập viện ngay. Taxi đưa tôi đến bệnh viện lúc khoảng 9h, khác với hình dung của tôi về cảnh chờ đợi lúc sinh, cả hành lang của khoa sản vắng tanh. Một cô y tá xuất hiện dịu dàng và đưa tôi vào phòng monitoring. Sau khi kiểm tra, cô thông báo là khoảng 6h sáng hôm sau tôi sẽ sinh. Tôi lập tức nghĩ đến việc hơn bảy tiếng nữa mình sẽ gặp được thiên thần nhỏ, những cơn đau đang hoành hành chắc sẽ nhanh thôi. Nhưng thực sự đó mới chỉ là bắt đầu! Tôi được đưa sang phòng chờ, một căn phòng tinh tươm dành cho 2 người, nhưng chỉ có mỗi mình tôi và chồng tôi tại thời điểm đó. Những cơn đau ngày càng dồn dập và mức độ tăng dần. Tôi không thể năm yên trên giường được nữa, cách duy nhất có thể chống lại nó là nhịp thở và thay đổi tư thế. Chồng tôi đứng bên cạnh mà cứ cuống cuồng không biết phải làm sao, tôi nhìn thấy rõ nỗi lo lắng trên gương mặt anh. Thời gian lúc này thực sự là một kẻ thù khủng khiếp. Không biết bao nhiêu lần tôi phải quằn quại thốt lên “sao lại có thứ đau đớn như thế này được chứ” và cứ thỉnh thoảng chúng tôi phải bấm chuông để gọi cô y tá. Dù đang bận trực và biết rõ không thể can thiệp được gì nhiều, nhưng chị vẫn chạy vào, liên tục xoa lưng, động viên tôi “Trang san cố lên nào, mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Chị cứ dịu dàng và kiên nhẫn như thế khiến cho tôi cảm thấy bình an biết bao.
Năm tiếng và những cơn đau vẫn chưa ngớt, cô y tá đưa tôi lên một giường chuyên dụng, phục vụ cho việc sinh đẻ. Chồng tôi được cho phép có thể đồng hành cùng vợ trong suốt quá trình sinh, nên anh cũng đã là người chịu trận những cào cấu của tôi, nghe nói vết răng trên bụng anh mờ đi vào 2 ngày sau (smile).  Gần 1 tiếng trôi qua kể từ lúc bác sĩ phát tín hiệu tôi cần phải rặn, những hướng dẫn được học lúc trước khi sinh được tua nhanh trong đầu, tôi cố gắng làm theo nhưng đều thất bại. Trời đã gần sáng, người tôi đuối dần, tôi bắt đầu thấy các y tá và bác sĩ ngày một đông (nghe mẹ tôi kể lại có tất cả 7 người), các máy móc, dây dợ được đưa tới, tôi cảm thấy mình không còn đủ sức nữa, những mạch máu đang căng lên khiến tôi cảm nhận rõ từng chuyển động, tôi chỉ sợ rằng thêm một chút thôi, tất cả sẽ vỡ vụn, một ý nghĩ về cái chết vụt qua, nhưng rồi lại tắt ngay khi tôi tự trấn an rằng mình đang ở Nhật, đúng vậy, tôi vẫn thường tự tin khi nói Nhật Bản luôn mang đến cho tôi một cảm giác yên bình đến lạ kỳ. Tôi nghĩ đến con, hẳn là con tôi cũng đang chiến đấu rất kiên cường để thoát khỏi cái nơi tối tăm và chật hẹp đó. Con tôi sẽ ra sao, nếu tôi từ bỏ? chỉ nghĩ đến đó thôi, tôi lại tiếp tục gồng mình để thở và đẩy, các cô y tá tiếp tục xoa lưng, nhìn sang bên cạnh, cũng có một người cũng đang kiên trì thở và gồng mình cùng tôi. Thế rồi ông trời cũng mỉm cười, đến 5:21am sáng, với lần rặn dài nhất có thể, một tiếng khóc thét lên, tôi thấy người mình nhẹ bẫng.
“Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông
bao ngày mẹ mong con chào đời…”
Lúc đó, cả trái đất như ngừng lại, tôi không màng gì tới đau đớn, không màng tới những mũi khâu sột soạt của cô bác sĩ, nước mắt không thể ngừng rơi, phải rồi, tôi đã vừa hoàn thành sứ mệnh cao cả nhất của cuộc đời mình, sứ mệnh của một người mẹ! Nhìn sang bên cạnh, có một ngừoi mắt cũng đang nhoà đi. Các bác sĩ, y tá tất bật làm những phần việc của mình. Còn cả 3 chúng tôi cứ thế cùng nhau khóc trong niềm hạnh phúc vô bờ.
be oka
 
Chúng tôi thật sự biết ơn tất cả các y tá và bác sĩ trong ca trực, đã luôn quan tâm hết lòng và cổ vũ cho tôi, cho dù biết những nụ cười ấm áp, những khích lệ quan tâm đó đều là trách nhiệm y đức và cũng là văn hoá ứng xử quá phổ biến ở Nhật, nhưng điều đó vẫn khiến cho người làm mẹ lần đầu ở nơi đất khách quê người như tôi cảm thấy an tâm biết bao. Tôi không thể không nhắc tới cô Nakamura, một tình nguyện viên tiếng anh ở tuổi 60, cho dù nhà ở xa, nhưng mỗi lần đi khám cô đều bắt xe bus tới bệnh viện để dịch giúp tôi, Tôi không bao giờ có thể quên được hình ảnh mỗi lần tới bênh viện tôi cũng thấy cô ngồi đợi sẵn với một quyển sổ trên tay, vừa viết vừa học thuộc để nâng cao vốn tiếng anh chuyên ngành y học. Cô đã cho tôi 1 bài học thật ý nghĩa về cách sống, cách yêu thương và sự tự hoàn thiện mình, đặc biệt là sự cố gắng không mệt mỏi. Tôi cũng thật sự cảm ơn những người bạn trong cộng đồng người Việt nơi đây, những người đã chia sẻ kinh nghiệm cho tôi về lần đầu làm mẹ, những người đã giúp đỡ và động viên tôi để tôi có thể làm tốt 2 việc cùng một lúc đó là làm mẹ và học tập.
Bốn tháng đã trôi qua, tôi đã đi làm trở lại, cuộc sống của tôi đã thay đổi thật nhiều từ một cô sinh viên thành một người mẹ làm nghiên cứu. Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ, trưởng thành và hiểu mình hơn, biết tự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Chúng tôi quyết định đặt tên bé, tài sản lớn nhất trong cuộc đời mình, với nickname là Oka, đó là cách gọi thân thiện của Okayama, để ghi dấu nơi đã mang một thiên thần nhỏ đến bên tôi, nơi tôi đã gửi gắm một phần tuổi trẻ trong cuộc đời của mình, nơi đã mang đến cho tôi biết bao cuộc gặp gỡ để tôi trân trọng và nâng niu như một món quà quý giá của cuốc sống.
Oka con của mẹ, rồi đây con sẽ lớn, sẽ như gió bay trên những nẻo đường, sẽ đặt chân đến những nơi mẹ chưa một lần đặt chân đến. Mẹ hi vọng con sẽ sống tươi vui, ý nghĩa và hãy nhớ nhé con, dù nơi đây không phải là quê hương Việt Nam yêu dấu, nhưng con nên nhớ cảm ơn thành phố này bởi đó là nơi một tình yêu vĩnh cửu bắt đầu”.
 

Bài viết của bạn Thu Trang