Dư âm Việt Nam Festival


Lần đầu tiên Vietnam Airline đã mạnh dạn đem hẳn một cái chợ Việt Nam sang Nhật Bản, và để mở phiên chợ này đã phải tiêu tốn tới 600 ngàn USD. Chợ diễn ra từ 4 đến 6/6/2004 tại khu triển lãm Quốc tế Pacifico ở thành phố Yokohama – Thành phố lớn thứ 2 của Nhật. Điều đáng tiếc là Tổng cục Du lịch Việt Nam lại không tham gia.


Chợ hoạt động kết hợp với các hoạt động lễ hội truyền thống Việt Nam. Tham gia có nhiều đơn vị trong và ngoài nước như Saigon Tourist, Viettravel, Apex Việt Nam, Cà phê Trung Nguyên, khách sạn Caravel, Hội An Pacific Hotel, New World Hotel, Hãng hàng không Nhật Bản… Điều đáng tiếc là Tổng cục Du lịch Việt Nam không tham gia.

Có lẽ phở Việt Nam là thương phẩm đắt khách nhất, bán 500 yên/tô (khoảng 75.000 VND), người Nhật cho là rẻ, rồng rắn xếp hàng chờ mua. Có hôm bánh phở hết nửa chừng, khách vẫn đứng chờ hơn cả tiếng đồng hồ. Cà phê Trung Nguyên 1.000 yên/ly vẫn đắt khách. Ông chủ quầy cà phê Trung Nguyên tham gia hội chợ là một người Nhật, luôn hối thúc nhân viên bán cho kịp.

Xếp hàng rồng rắn mua càphê Trung Nguyên.

Quầy của khách sạn Hội An Pacific đặt vài món lưu niệm, khách hỏi mua phải… bán. Một hộp trang trí đơn giản do khách sạn nay trưng bày giá khoảng 20.000 VND được bán 500 yên. Người mua nhiều quá, sợ hết nên chủ quầy lên giá 1.000 yên, rồi sale off còn 800 yên mới còn hàng để… trưng bày. Giá rẻ – một lợi thế tạo nên sự tò mò và sức hấp dẫn. Thông điệp “Bạn đến Việt Nam giá sẽ rẻ hơn rất nhiều!” được xem như lời mời du khách Nhật đến Việt Nam. Một con số thú vị: Phiên chợ này đã thu hút hơn 30.000 khách đi chợ người Nhật.

Trong một góc độ nào đó, cái chợ mini đã nói lên được rằng người Nhật không chê cà phê Trung Nguyên, khen phở Việt Nam, chuộng giá rẻ của hàng mỹ nghệ… Vậy tại sao du khách Nhật đến Việt Nam vẫn không như sự mong muốn hợp lý trong khi quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang trong thời kỳ tốt nhất và Việt Nam là điểm du lịch an toàn nhất? Cái thiếu của chúng ta chính là sự quảng bá hình ảnh đổi mới của Việt Nam ra nước ngoài, cái thiếu ấy đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều ngành, nhiều đơn vị trong nước mới mong bù lấp được. Hơn ai hết, Tổng cục Du lịch Việt Nam phải là người gánh trách nhiệm chính và cần mạnh mẽ đi trước./.

Đặng Việt Hoa (TN), Báo Hà Nội Mới