Giải tennis chào mừng 60 năm quốc khánh


Ngày 3/9/2005, một ngày sau lễ diễu binh, diễu hành được tổ chức hoành tráng tại quảng trường Ba Đình, kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại một đất nước xa Việt Nam 4h bay, một hoạt động lớn cũng được tổ chức nhân dịp ngày lễ trọng đại này. Đó chính là giải Tennis do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka tổ chức quy tụ được các tay vợt mạnh trong vùng.


Giải Tennis lần thứ 3 được tổ chức bởi Lãnh sự quán Việt Nam đúng dịp 2/9 đã có một bước tiến rõ rệt về cả chất lượng và số lượng. Có thể thấy được điều đó qua một vài con số: Trong khi giải lần đầu chỉ gồm 8 đôi nam, 4 đơn nam tham gia giải; đến giải lần thứ 2 có 10 đôi nam, 8 đơn nam và 3 đôi nam nữ tham gia giải thì trong giải lần thứ 3 này đã có tới 15 đôi nam, 8 đơn nam và 4 đôi nam nữ đăng ký chính thức tham gia giải được tổ chức tái 2 sân thi đấu của Viện Riken, Kobe.

Do giải đôi nam quá đông, BTC đã chia 15 đội làm 4 bảng, đấu vòng tròn, chọn 8 đội vào tứ kết. Giải đơn nam gồm 8 tay vợt chia làm 2 bảng đánh vòng tròn chọn 4 tay vợt mạnh nhất vào bán kết. Giải đôi nam nữ gồm 4 đôi, đấu loại trực tiếp chọn 2 đội vào chung kết và 2 đội còn lại tranh giải 3. Trong một ngày thời tiết không thể đẹp hơn, thi đấu trên một sân đẹp và sự chuẩn bị chu đáo của BTC là Tổng lãnh sự quán và chủ nhà Kobe đã tạo nên một giải đấu sôi động nhất từ trước tới nay.

Trước tiên là giải đôi nam, nội dung thi đấu có tính quyết liệt cao nhất khi có mặt đầy đủ các tay vợt mạnh. Trong khi đương kim vô địch, đôi anh Vân-Tuấn Osaka thiếu mất Tuấn về nước thì có tay vợt Hiếu thay thế xứng đáng. Đôi đương kim giải nhì Dương-Minh Kobe vẫn còn đó sức trẻ và trình độ tăng lên đáng kể so với giải trước. Đôi vô địch giải lần 1 và giải 3 lần 2 anh Nam (VN Air) và anh Nghị (LSQ) vẫn là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch sau lần mất cúp lần trước. Ngoài ra phải kể đến đôi chú Phong-anh Hùng (LSQ) cực kỳ ổn định, đôi Tâm- Hồng từ Osaka-Sanryo và đặc biệt là đôi anh Minh (LSQ) và anh Dũng (VNAir-bay từ Đài Loan sang tham dự giải). Không nằm ngoài dự đoán, giải diễn ra kịch tính và sôi động ngay từ những đường banh đầu tiên.

Ở bảng A, chiến thắng 6-0 trong trận thi đấu khai mạc giải với đôi Xuân Anh-Tiệp Kyoto nhưng để thua 3-6 trong trận thi đấu thứ 2 trước ứng cử viên vô địch anh Nam-Nghị, đôi Ngọc Anh (Kyoto)-Long (Osaka) lọt vào tứ kết. Đôi anh Nam-Nghị dành 2 chiến thắng 6-3, 6-1 để dễ dàng lọt vào tứ kết với tư cách đầu bảng.

Bảng B cực kỳ quyết liệt với sự góp mặt của đôi Dương-Minh Kobe và đôi Tâm-Hồng Osaka. Và không có gì bất ngờ khi đôi đương kim giải nhì Dương-Minh toàn thắng lọt vào tứ kết. Đôi Tâm-Hồng giành vé thứ 2 trong khi 2 đôi của Hà-Hưng Kyoto và Hiệp-Thành Kobe ngậm ngùi dừng bước.

Bảng C cũng gay cấn với đôi chú Phong-anh Hùng (LSQ) và đôi anh Minh (LSQ)-anh Dũng (VN Air) cùng đôi Thuận-Long Kobe và Hải-Dũng Osaka. Tuy nhiên cũng không có bất ngờ nào xảy ra khi đôi chú Phong-anh Hùng dành thắng lợi tuyệt đối, đặc biệt là trận thắng 6-2 trước đôi anh Minh-Dũng vào tứ kết với tư cách đầu bảng. Đôi anh Minh-Dũng cũng chiến thắng 2 trận còn lại dành chiếc vé thứ 2 của bảng C. Trong bảng đấu này có trận đấu dài nhất giải khi đôi Thuận-Long gặp Hải-Dũng, trận đấu kết thúc với tỉ số 6-5 nghiêng về đôi của Kobe với không ít lần tỉ số đều xảy ra.

Bảng D với sự vượt trội của đôi đương kim vô địch anh Vân-Hiếu Osaka và đôi Trường-Thụy Kobe trước đôi Toàn-Hội Kyoto và đôi Hiệp-Thành Kobe. Kết quả ở bảng này là đôi anh Vân-Hiếu toàn thắng đứng đầu bảng, đôi Trường-Thụy Kobe đứng thứ 2.

Các trận đấu thực sự quyết liệt khi bước vào vòng tứ kết. Lá thăm may rủi đã đem đến các cặp đấu khá thú vị. 3 cặp đấu phải giải quyết nội bộ: Anh Nam-Nghị gặp anh Minh-Dũng; đôi Vân-Hiếu gặp Tâm-Hồng Osaka; đôi Dương-Minh gặp Trường-Thụy Kobe; cặp còn lại là Ngọc Anh-Long gặp chú Phong-anh Hùng (LSQ).

Trận đấu đầu tiên giữa đôi anh Nam-Nghị gặp anh Minh-Dũng diễn ra rất hấp dẫn với phần thắng 6-2 nghiêng về đôi anh Nam (VNAir)-anh Nghị (LSQ). Vẫn với phong độ cực tốt, những cú vẩy cổ tay ma quái của anh Nam với phong độ ổn định của anh Nghị trong việc bắt lưới và đánh base line, đôi anh Nam-Nghị tỏ ra chưa có thử thách thật sự trong giải này cho đến hết vòng tứ kết.

Cùng lúc đó, trên sân bên cạnh, trận chiến nội bộ Kobe đã diễn ra hoà nhã hơn, đôi Dương-Minh tỏ rõ sự vượt trội bằng các quả đánh dưới sân cực mạnh của Minh và trình độ của anh Dương đã chiến thắng đôi Trường-Thụy trong thế trận 1 chiều.

Ở trận đấu tứ kết thứ 3, đôi đương kim vô địch anh Vân-Hiếu tưởng như có vé vào bán kết khi dẫn đôi Tâm-Hồng 4-3, nhưng cuối cùng lại thua ngược 6-5 do thi đấu trong điều kiện đánh đèn làm hạn chế tầm nhìn của anh Vân, bất ngờ đầu tiên diễn ra khi đôi đương kim vô địch dừng bước ở tứ kết.

Trận đấu cuối cùng được dự đoán là cân tài, cân sức giữa đôi chú Phong-anh Hùng (LSQ) gặp đôi Ngọc Anh-Long. Trong 4 séc đầu, trận đấu diễn ra cân bằng với việc đội cầm giao bóng chiến thắng. Nhưng sau đó, trận đấu trở nên không kiểm soát được với đôi Ngọc Anh-Long khi chú Phong cực kỳ suất sắc trong các quả đánh mang cá, trong khi anh Hùng với lợi thế thể hình không cho đôi Ngọc Anh-Long một cơ hội. Trận đấu kết thúc với tỉ số 6-1 nghiêng về đôi chú Phong-anh Hùng (LSQ).

Như vậy, 4 đôi mạnh nhất có mặt ở vòng bán kết là anh Nam-Nghị, đôi chú Phong-anh Hùng, đôi Dương-Minh Kobe và đôi Tâm-Hồng Osaka. Lá thăm may mắn lại mang đến một trận cầu thú vị ở vòng bán kết khi đôi anh Nam-Nghị đụng đôi Dương Minh trong khi đôi chú Phong-Hùng gặp đôi Tâm-Hồng.

Trận bán kết đầu tiên giữa đôi anh Nam-Nghị và Dương-Minh Kobe thực sự là trận cầu hay nhất giải khi hội tụ các quả đánh đẹp mắt, màn rượt đuổi tỉ số trong một không khí nghẹt thở, một trận đấu không có chỗ cho sự sai lầm. Trong khi đôi anh Nam-Nghị thi đấu cực kỳ tập trung trong từng đường banh thì anh Dương không thi đấu đúng phong độ của mình trong 4 séc đầu tiên. Rất may cho đôi Dương-Minh là anh Minh toả sáng đúng lúc khiến trận đấu tạm có tỉ số 2-2. 2 séc sau đó là màn bứt phá của anh Nam-Nghị, dành một break khi anh Dương cầm phát bóng và vượt lên dẫn trước 4-2. Tỉ số được rút ngắn 4-3 sau đó làm không khí trận đấu thêm nghẹt thở. Séc bản lề, anh Nam cầm giao bóng và cũng phải tương đối vất vả anh Nam mới nâng tỉ số lên 5-3. Tưởng chừng như đôi anh Nam-Nghị sẽ kết thúc trận đấu thì đôi Dương-Minh bất ngờ vùng lên gỡ 4-5. Séc cuối cùng là một màn tra tấn thể lực khi sức trẻ Dương-Minh liên tục gây khó dễ cho đôi anh Nam-Nghị. Tuy nhiên, cuối cùng, bằng 2 quả bắt lưới xuất sắc, anh Nghị kết thúc trận đấu ở tỉ số 6-4. Sau trận đấu, anh Nghị hồ hởi nói trong mồ hôi và sự nuối tiếc của đôi Dương Minh: “Vất vả và ngột ngạt quá”.

Trận bán kết thứ 2 diễn ra trong thế trận dễ dàng cho đôi chú Phong-anh Hùng. Tiếp tục phong độ cao chưa từng có, đôi chú Phong-anh Hùng khuất phục đôi Tâm-Hồng đã thấm mệt với tỉ số chênh lệch 6-1 để lọt vào chung kết gặp đôi anh Nam-Nghị. Như vậy, trận chung kết không xuất hiện một đôi sinh viên nào mà là việc giải quyết nội bộ giữa 2 đôi của Lãnh sự quán.

Trận chung kết diễn ra rất đẹp mắt tuy nhiên hơi thiếu tính quyết liệt. Đôi anh Nam-Nghị lợi dụng sự xuống sức của chú Phong-Hùng dẫn liền một lèo 5-0. Sau đó, đôi chú Phong-anh Hùng thi đấu khởi sắc gỡ lại 3-5 nhưng đã quá muộn, đôi anh Nam-Nghị kết thúc trận đấu ở tỉ số 6-3 và giành chức vô địch rất xứng đáng. Đôi chú Phong-anh Hùng nhận giải nhì cũng không có gì phải bàn cãi bởi phong độ xuất sắc của chú Phong và ổn định của anh Hùng trong giải này.

Ở giải đơn, sự vắng mặt của một loạt cao thủ làm tăng tính cạnh tranh cho giải khi chất lượng tuyển thủ đồng đều hơn. Ở bảng A , khi anh Trường Kobe xuất sắc dành vị trí đầu bảng với 3 trận toàn thắng, đặc biệt là trận đấu thắng sát nút Ngọc Anh Kyoto. Suất còn lại thuộc về anh Ngọc Anh Kyoto sau khi xuất sắc vượt qua anh Hùng LSQ. Bảng B, bất ngờ xảy ra khi anh Thắng LSQ chiếm vị trí đầu bảng, vượt trên anh Tâm Osaka, Long Osaka và Xuân Anh Kyoto bằng những đường banh chắc chắn và những pha đánh trả xuất sắc. Chính điều này đã đem đến giải nhì đơn nam cho anh Thắng trong giải đấu này. 2 trận bán kết diễn ra quyệt liệt giữa anh Trường Kobe gặp Tâm Osaka và anh Thắng LSQ gặp Ngọc Anh Kyoto. Kết quả anh Trường vượt qua Tâm lọt vào chung kết và anh Thắng vượt qua cửa ải chông gai Ngọc Anh góp mặt ở chung kết. Có thể nói, anh Thắng là một bất ngờ thú vị của giải đơn nam khi tiếp tục thi đấu tuyệt vời trước anh Trường trong trận chung kết sau khi loại hàng loạt các tay vợt mạnh ở vòng ngoài. Tuy nhiên, sự chắc chắn và tập trung đến phút cuối cùng cộng thêm một chút may mắn, anh Trường đã dành chiếc cúp đơn nam về cho Kobe.

Giải đôi nam nữ diễn ra giưa sự áp đảo của các đôi Kyoto về cả chất lượng và số lượng. Kết quả đôi đương kim vô địch Ngọc Anh-Thanh An bảo vệ thành công ngôi số một. Giải nhì thuộc về đôi Hoài-Trang Kyoto, giải 3 thuộc về đôi của Thụy-Ngọc của Kobe.

Giải đấu kết thúc với một kết quả đẹp, và lời nói chia tay của anh Nam-Hàng không Việt Nam. Các VĐV và CĐV vui vẻ bên bếp lửa BBQ ngay cạnh sân đấu. Những câu chuyện rôm rả không dứt về những pha bóng đẹp, những cú đánh hay. Chiến thắng thuộc về những người xứng đáng và trên hết là tinh thần thể thao mạnh khoẻ để học tập và làm việc cũng như là việc thắt chặt các mối quan hệ giữa Lãnh sự quán và sinh viên và giữa các hội sinh viên với nhau. Cho dù có dành giải hay không, ai ai đi về cũng đều phấn khởi và vui mừng sau một ngày vui vẻ và thư giãn dưới cái mát lạnh của tiết trời cuối hè đầu thu này.

Xin cảm ơn Ban tổ chức-các chú các anh trong Lãnh sự quán, cảm ơn chủ nhà Kobe đã tổ chức chu đáo giải đấu này. Hẹn gặp lại vào giải đấu tháng 4/2006!