HÀNH TRANG VÀO ĐỜI – Phần 1: ACTIONS

Trước khi giải mã tổ chữ ACTIONS, có 2 tiền đề các bạn cần nắm vững. Thứ nhất, đi làm chính là khởi điểm mỗi bạn tham dự vào cuộc chạy đua đấu trí và đấu sức với các bạn đồng nghiệp không phân biệt trai gái, tuổi tác và kinh nghiệm, tiến lên chiếm giữ một nhiệm sở, một chức vụ có trách nhiệm quan trọng trong tổ chức doanh nghiệp hay cơ quan hành chánh nhà nước. Đó là cuộc chạy đua đường dài giữa đa số bên dưới chỉ có bổn phận thi hành mệnh lệnh, lên hàng thiểu số bên trên hay hàng chỉ đạo có trách nhiệm tạo chiến lược, đặt kế hoạch, có quyền ra mệnh lệnh chi phối mọi hoạt động của tổ chức. Thứ hai, bây giờ người ta thường nói chúng ta sống trong thời đại tự do cạnh tranh dựa trên cơ sở bình đẳng về cơ hội. Thực tế không hề là như vậy! Ngay từ khởi điểm đi tìm việc làm, phải nhìn thẳng vào thực tế: Các bạn không hề bình đẳng về điều kiện và cơ hội. Có những yếu tố nằm ngoài khả năng và trách nhiệm của các bạn. Chẳng hạn như lý lịch cá nhân, cơ sở tiền bạc, địa vị hay quen biết của cha mẹ ngoài xã hội, môi truờng giáo dục gia đình, v.v… tạo nên các tình huống bất bình đẳng giữa các bạn ngay từ giờ phút khởi đầu này.
Tuy nhiên cái thú vị trên trường đời là “Không nhất thiết kẻ nào mạnh kẻ ấy thắng, mà kẻ thắng mới là kẻ mạnh”. Đây là câu tôi đọc được khi tôi còn trẻ từ một bích chương quảng cáo giăng trên xe điện trên đường đi làm, tôi đã đổi khác nhờ câu này.
Do đó, muốn thành công trên đường đời truớc hết các bạn phải giải quyết 2 tiền đề trên, có nghĩa là các bạn thứ nhất phải ham muốn tham dự vào cuộc chạy đua, thứ hai phải chấp nhận những gì mình đang có, không hề nao núng. Thêm vào đó các bạn hãy dứt khoát bỏ cách suy nghĩ “Kẻ nào mạnh kẻ ấy thắng”. Vì chỉ cần đổi vị trí của 2 chữ “mạnh” và “thắng” ngược lại cho nhau thì các bạn sẽ tạo được cách suy nghĩ mới: “Kẻ nào thắng kẻ ấy mạnh”, tự mình mở ra cho mình một vận hội mới, kẻ yếu vẫn có cái thế để trở thành người thắng cuộc.
Và đây tôi xin chia lá bài đầu tiên với tổ chữ ACTIONS. Bởi vì chỉ có khi nào các bạn bắt tay vào hành động các bạn mới có cơ hội đạt thành công. Thành công trong đời một người chính là con số cộng tất cả kết quả hành động của người ấy.
2016-04-19 (3)
Trong thời kỳ phục hưng kinh tế của Nhật Bản sau thế chến thứ 2, từ đống tro tàn sau khi bị Mỹ ném 2 trái bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, ba nhân vật sáng lập ra ba công ty nổi tiếng thế giới MATSUSHITA (hiện nay là Panasonic), SONY và HONDA là các ông Matsushita Konosuke, Ibuka Masaru và Honda So-Ichiro. Cả ba ông đều coi trọng yếu tố hành động. Nổi bật nhất là Ông Honda So-Ichiro bỏ học rất sớm không có trình độ đại học như các các bạn, khi 16 tuổi đã đi làm, xin được một chân đi làm thợ sửa xe hơi, nhưng công việc đầu tiên được ông chủ giao cho chỉ là việc “ẳm em”. Thế mà chỉ trong vòng một cuộc đời của ông, ông đã xây dựng hãng HONDA lừng danh khắp thế giới. Tên ông, một danh từ riêng đã biến thành danh từ chung: mua xe Honda tức là mua xe gắn máy.
Ông nói: “Con người ta muốn tiến, trước hết phải dám bước tới một bước. Dù khó khăn, chỉ khi nào bắt tay vào việc, mới biết. Có vấp thất bại là ở bước đầu tiên này. Nhưng đối với tôi chính thất bại đó giúp ta đạt thành công về sau. Còn cứ chần chừ đứng ỳ một chỗ thì chẳng làm được trò trống gì cả”.
Và cũng chính Ông đã khích lệ chúng ta đừng sợ thất bại, ông đã chứng minh bằng chính cuộc đời mình trong câu ông nói: “99% thất bại nuôi 1% thành công”.
Khi HÀNH ĐỘNG, các bạn chọn cách nào? “Nhắm, Bắn!” hay “Bắn, Nhắm!”? Tôi đề nghị các bạn chọn “Bắn” trước “Nhắm” sau. Bắn trật, nhắm bắn lại, xác suất trúng đích sẽ cao hơn. “Làm trật – Tìm chỗ sai – Sửa lại cách làm – Làm lại” là cách ai cũng có thể áp dụng được. Còn nếu xem “Nhắm” là Suy nghĩ, bắt phải suy nghĩ cho thật chín chắn truớc rồi mới nên làm thì ít người làm được.
Cách thức HÀNH ĐỘNG dẫn đến THÀNH CÔNG nằm ngay trong ẩn dụ của 7 chữ cái trong “ACTIONS”. Chữ cái đầu tiên “A” chính là Aims – Muc tiêu.  Chúng ta phải định Mục tiêu thật cụ thể cùng với thời hạn phải thực hiện. Thời hạn thực hiện tự nó cũng là một mục tiêu.
Các bạn không còn ở cái tuổi phải ép mình vào khuôn thước do cha mẹ áp đặt. Và tôi tin là các bạn ai cũng có mục tiêu của riêng mình. Nếu có bạn hỏi bây giờ chưa có thì sao? Không sao cả! Ra đời chạm trán với công việc chắc chắn các bạn sẽ tìm thấy mục tiêu cho mình. Trong thời gian còn ở trường học ngoài các môn học của chuyên ngành, tôi đề nghị các bạn nên cố gắng có 3 GIỎI: nói giỏi TIẾNG ANH, sử dụng giỏi COMPUTER và giỏi một môn THỂ THAO.
Có mục tiêu và đạt mục tiêu từng bước một sẽ là khích lệ, thúc đẩy các bạn có ham muốn vươn lên tầm cao hơn. Liên quan đến nhân tố này người Nhật có 3 ĐỪNG:

Đừng quá sức – Đừng lãng phí – Đừng không đều đặn

Trong đó, người Nhật đặc biệt coi trọng “Đừng không đều đặn”. Làm việc một cách đều đặn, đeo đuối nghề nghiệp một cách bền bỉ là một nét đặc sắc của con người Nhật. Rất nhiều doanh nghiệp Nhật có lịch sử lâu đời đến hàng trăm năm cha truyền con nối bền bỉ đeo đuổi. Người Nhật còn có cách răn đừng chỉ tụng kinh ba bửa, có nghĩa là đừng bao giờ làm việc gì mà bỏ dở nửa chừng.
 
Chữ cái tiếp theo là chữ “C”, liên hệ mật thiết với Mục tiêu, chính là Commitment – Cam kết. Phải Cam kết với chính mình và đồng đội sẽ thực hiện cho kỳ được mục tiêu mặc dù gặp khó khăn, không dao động, không bỏ cuộc.
Một khía cạnh của Cam kết là thói quen giữ lời hứa, là tinh thần trách nhiệm. Không hứa thì thôi, đã hứa thì phải thực hiện cho bằng được. Không lãnh trách nhiệm thì thôi, còn đã nhận trách nhiệm thì phải làm cho tới nơi tới chốn. Không làm được hay làm hỏng việc phải tự mình chịu trách nhiệm, không đổ thừa cho người khác, không đổ thừa cho xã hội. Nhật Bản ngày xưa, trong giai cấp Samurai người theo võ sĩ đạo, cách nhận trách nhiệm khốc liệt nhất là tự mổ bụng, HARAKIRI. Samurai luôn vắt trong đai lưng hai phong kiếm là trường kiếm và đoản đao. Trường kiếm để chiến đấu, đoản đao dành để tự hành quyết, luôn luôn nhắc nhở họ phải sống xứng đáng với lý tưởng hay Cam kết của mình. Các công nương của giai cấp này đều có đoản đao mang theo người để tự vệ và để giữ tiết hạnh khi cần thiết. Và tinh thần trách nhiệm đã đâm rễ trong đời sống của người dân Nhật Bản. Ở đây, tôi không hề cố ý đề cao người Nhật Bản. Thế nhưng, nếu chúng ta muốn học hỏi cái tốt của người khác, ta nên trân trọng các giá trị tinh thần mang tính chất cốt lõi mà võ sĩ đạo là một cội nguồn.
 
Chữ “T” ở đây có thể là Teammates hoặc là Teamwork, nhưng tôi muốn các bạn ghi nhớ chữ TEAMMATES. Cả 2 chữ đều được cả, nhưng giữa hai cách nhận thức có một ít sắc thái tế nhị khác nhau. Chọn “Teamwork”, các bạn dùng cái đầu chú trọng đến cái “lý” trong cách liên kết và phát huy tinh thần đồng đội để đạt hiệu quả cao trong công việc. Chọn TEAMMATES, các bạn với tấm lòng coi trọng cái “tình” giữa con người với con người. Có quý mến TEAMMATES mới tạo được Teamwork. Quý mến đồng đội, chia sẻ thông tin, kiến thức, chí hướng, hết lòng nâng đở lẫn nhau, từ đó tinh thần đồng đội mới nẩy nở. TEAMMATES là nhân, Teamwork là quả.
 
Về chữ “I” có 2 chữ Innovation và Integration. Chữ Innovation đòi hỏi óc sáng tạo, khả năng chuyên môn cao, còn chữ INTEGRATION đòi hỏi khả năng điều hợp. Tổng hợp được các tích lũy kỹ thuật thiết kế, kỹ thuật chế tạo, tay nghề, nói cách khác kết hợp được mọi tiềm năng của cá nhân và của tổ chức đến mức tối đa là cách có thể làm được trong điều kiện của các tổ chức doanh nghiệp còn ở vị trí thấp hay ở các quốc gia chưa có nền học thuật cao. Nó giúp tạo ra một vận hội mới hay đột phá một chân trời mới không cần đến những tài năng xuất chúng. Tôi không chọn chữ Innovation mà chọn INTEGRATION là vì lẽ đó. Trong suốt cuộc đời làm việc vì nhận thức được mình không có tài năng cao, công ty không có tích lũy kỹ thuật cao, tôi đã chọn con đường INTEGRATION cho chính mình và cho việc hoạch định con đường phát triển của công ty, tận dụng tiềm năng có sẵn trong mỗi nhân viên và nhất là kỹ thuật nồng cốt của công ty.
 
Chữ “O”: Không bỏ lỡ CƠ HỘI – OPPORTUNITY.
Trong giao lưu hạn hẹp của tôi với giới doanh nhân người Tây Phương, cả Mỹ lẫn Châu Âu, tôi nhận xét người Tây Phương đặt nặng yếu tố khả năng cá nhân, nên họ xem OPPORTUNITY là CƠ HỘI chứ không phải là may mắn. Còn người Nhật hay các dân tộc trong hệ văn hoá Đông Phương, ở một chừng mực nào đó đều xem cơ hội như là một biểu hiện của may mắn. Đứng trên mặt luận lý mà xét, phải có kỹ năng, tài năng mới nắm bắt được cơ hội và cũng chính nhờ có khả năng mới tạo được cơ hội, vận hội mới. Nhưng như đã trình bày ở phần trên, người Nhật nhận định cái mốc đưa ta đến thành công không nhất thiết là tài cán mà là MAY MẮN. Mặc dù chưa đưa ra được luận cứ chứng minh tầm quan trọng của yếu tố MAY MẮN nhưng nhìn lại quãng đời đã qua, có những dữ kiện tôi không thể nào giải thích đó là nhờ vào khả năng của mình mà làm được.
 
Chữ “NORM” cho “N” là có nghĩa là “Mẫu, Chuẩn” mà tôi muốn triển khai thành Tiêu chuẩn hóa. Tiêu chuẩn hoá mọi thao tác hành động là cách hữu hiện nhất để giúp người chưa rành việc cũng làm được việc, giúp ta không lập lại các lầm lẫn. Huấn luyện nhân sự thực hiện các tiêu chuẩn đã được nghiên cứu kỹ, giúp tăng hiệu suất công việc. Thời khoá biểu học tập hay làm việc hàng ngày là một thí dụ về hiệu dụng của tiêu chuẩn hóa, nó giúp ta quản lý thời giờ đem lại năng suất cao. Các bạn có lập Thời khóa biểu học tập ở nhà không? Nếu không, thì từ quý đầu tiên của năm học này, các bạn thử định một thời khoá biểu làm việc thật sít sao, tôi cam đoan các bạn sẽ đổi khác! Một trong những lý do thành công của Nhật Bản trong sự nghiệp đuổi kịp và qua mặt Tây Phương nằm ở chỗ dân chúng Nhật có trình độ giáo dục cao, thì sức mạnh của nền công nghệ Mỹ nằm ở nỗ lực thực hiện TIÊU CHUÂN HOÁ trong mọi ngành trên quy mô của cả nước.
 
Và cuối cùng là chữ “SPEED” cho chữ “S”. Khi có ý mới, ý hay nên đem ra thực hiện ngay. NHANH là sức mạnh. Điều muốn nhấn mạnh thêm ở đây là nếu từ tư thế của kẻ đi sau muốn qua mặt được người đi trước thì phải làm việc gấp đôi hay gấp ba và làm càng nhanh càng tốt, không có cách nào khác hơn.
 
Tóm tắt của phần này. Bảy nhân tố đầu tiên tôi mong các bạn ghi nhớ và thử thực hành ngay là:
 
A         AIMS                         – Xác định Mục tiêu thật cụ thể
C         COMMITMENT     – Cam kết thực hiện mục tiêu cho bằng được
T         TEAMMATES         – Qúy mến Đồng nghiệp
I          INTEGRATION      – Kết hợp mọi tiềm năng
O         OPPORTUNITY      – Không bỏ lỡ Cơ Hội
N         NORM                       – Tiêu chuẩn hoá mọi việc
S          SPEED                       – Làm ngay, làm nhanh

Đinh Văn Phước

Nội dung các bài học “Hành trang vào đời:”