HÀNH TRANG VÀO ĐỜI

Lời giới thiệu
Thân gửi các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống và làm việc trên đất nước Nhật Bản, cũng như quý vị độc giả gần xa!
Qua trao đổi và trò chuyện, Ban Biên tập website VYSA đã nhận được sự giao phó của ông ĐINH VĂN PHƯỚC (Kato Fukukazu), nguyên Tổng Giám đốc công ty Tsubaki Yamakyu Chain (Tokyo, Nhật Bản), trách nhiệm biên tập lại những bài học ông đã đúc kết trong “HÀNH TRANG VÀO ĐỜI” dành các bạn thanh niên. Nội dung của những bài học này gồm 21 nhân tố “cần và đủ” được phân chia thành 4 nhóm: ACTIONS, 7Cs, 4S và 3P. Các nhóm này được hình thành từ chữ cái đầu của các từ tiếng Anh. Ví dụ chữ ACTIONS gồm: Aims, Commitment, Teammates, Intergration, Opportunity, Norm và Speed. Trong các nhóm bài học này, hai nhóm bài học đầu, ACTIONS và 7Cs, xác định các nhân tố liên quan đến hành động. Hai nhóm bài học sau, 4S và 3P, liên quan đến cách suy nghĩ và phong cách. Ban biên tập website sẽ lần lượt đăng tải tất cả các nhóm bài học này thành 4 kỳ tương ứng với 4 nhóm bài học nêu trên.
Những bài học HÀNH TRANG VÀO ĐỜI này đã được tác giả chia sẻ với đội ngũ giảng viên, sinh viên của trường Đại học Hoa Sen vào tháng 11/2013 và sau đó được in trong Tập san nội bộ của trường.
Lời mở đầu
Chào các bạn,
Hôm nay, tôi – Đinh Văn Phước – chia sẻ với các bạn một số hành trang mà các bạn cần mang theo vào đời để đạt được thành công. Những hành trang này là những điều đã đúc kết được trong suốt 47 năm tôi làm việc tại Nhật Bản, kể từ năm 1966. Tôi hy vọng những hành trang này sẽ đồng hành cùng các bạn trong con đường tương lai.
Các bạn rồi đây sẽ rời trường học, bước vào trường đời và bắt đầu sống tự lập. Trong các bạn, có người sẽ thừa kế cơ sở kinh doanh của cha mẹ, có người sẽ tự mình đứng ra kinh doanh và phần lớn sẽ đổi chỗ làm nhiều lần, lăn lộn nhiều năm trong một số doanh nghiệp nào đó hay có người sẽ tham gia vào guồng máy nhà nước. Chắc chắn ai cũng muốn mình thành công, làm được những gì muốn làm. Nhưng trong thực tế không phải ai đi làm cũng thành đạt, ai kinh doanh cũng phát triển. Cái khác nhau giữa người làm được và người không làm được nằm ở chỗ nào? Có phải hể có tài thì tất yếu sẽ thành công hay không? Hay các bạn còn cần có những điều gì khác nữa? Đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến cuôc đời của các bạn?

Hình 1: Các yếu tố chi phối cuộc đời
Hình 1: Các yếu tố chi phối cuộc đời

Hình 1 trình bày các yếu tố chi phối cuộc đời các bạn. Bên trái là các yếu tố bên trong của các bạn, chính các bạn chịu trách nhiệm, bên phải là các áp lực từ bên ngoài đến với các bạn. Tôi biết những yếu tố bên ngoài vô cùng quan trọng, nó có thể phát huy hay bóp chết khả năng của các bạn, nhưng môi trường bên ngoài là những gì các bạn không lựa chọn được, chỉ có cách sống trong nó và nỗ lực tìm cách thay đổi nó. Tôi xin tập trung nói về phần bên trái.
Trong khi Tây Phương đề cao khả năng hay kỹ năng làm bàn đạp để tiến đến thành công, thì Nhật Bản lại không nghĩ như vậy. Người Nhật bình thường khi nói về công thức thành công, họ đưa ra bài toán cộng: MAY + DAI + KHỜ. Ở đó, ta không thấy họ đá động gì đến yếu tố tài năng, khôn lanh, bén nhạy mà ngược lại khuyên người ta nên coi trọng May mắn, nên chai lì một chút, nên khù khờ ngu ngơ một tí. Cách suy nghĩ này làm ta liên tưởng đến mấy câu thơ trong đoạn kết của Truyện Kiều:

“Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.”

Tuy vậy hai cách suy nghĩ trên không hề chống đối nhau mà bổ sung cho nhau, nhắc nhở ta rằng: thành công chỉ có thể đạt được với toàn diện con người mình, cả về khả năng lẫn phong cách.
Tây Phương thường ví cuộc đời hay kinh doanh như một cuộc chơi. Dĩ nhiên đây không phải là một canh bạc mà là một cuộc chơi vô cùng đứng đắn cần bỏ cả cuộc đời mình vào. Một cuộc chơi đầy căng thẳng phải tận dụng mọi năng khiếu trí tuệ và sức lực. Trên chiều hướng xem cuộc đời như một cuộc chơi, tôi sẽ chia cho các bạn 4 lá bài chứa đựng các nhân tố nếu nắm bắt được, chắc chắn các bạn sẽ là những người thắng cuộc, làm được điều muốn làm, thực hiện được ước mơ của các bạn. Tôi cũng gói ghém một ít nét đặc trưng của con người Nhật Bản vào trong câu chuyện này.
Bốn lá bài chứa đựng 4 tổ chữ 7-7-4-3 cộng lại được 21 nút (ván bài thắng), tương ứng với 21 nhân tố “cần và đủ”. Chúng được sắp xếp theo một trình tự chữ trước dẫn đến chữ sau. Hai tổ chữ đầu 7-7 xác định các nhân tố liên quan đến hành động. Hai tổ chữ sau 4-3 xác định các nhân tố liên quan đến cách suy nghĩ và phong cách. Tôi dùng từ ngữ tiếng Anh để diễn đạt nội dung tôi muốn nói, đó là:

  • ACTIONS,
  • 7Cs (Seven-Seas)
  • 4S
  • 3P

Nắm bắt được hết 21 nhân tố này các bạn sẽ vững tin vào mình, năng nổ, dám nhận công việc khó, dám làm chuyện chưa ai dám làm. Một khi có tự tín, dám làm, nỗ lực và bền chí, các bạn đi đúng đường đến thành công.
Nội dung các bài học “Hành trang vào đời:”

Giới thiệu về tác giả:

Ông Đinh Văn Phước - Kato Fukukazu
Ông Đinh Văn Phước – Kato Fukukazu

  • Sinh năm 1942 tại Phan Rang
  • 1957-1960: Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký (Lê Hồng Phong bây giờ)
  • 04-1961    : Du học Nhật bản với học bổng của chính phủ Nhật Bản
  • 03-1966    : Tốt nghiệp Kỹ sư Cơ Khí Tokyo Kogyo Daigaku
  • 12-1966     : Kỹ sư tập sự ở Công ty Yamakyu Chain  (về sau trở thànhTsubaki Yamakyu Chain)
  • 04-1971     : Được nhận làm nhân viên chính thức của công ty
  • 06-1986    : Giám đốc phụ trách Bộ Môn Cơ Khí Chính Xác
  • 06-1996    : Giám đốc Điều hành (Managing Director)
  • 06-2010   : Tổng Giám Đốc
  • 07-2013   : Cố Vấn Kỹ thuật phụ trách Khai thác Sản Phẩm Mới cho đến hiện tại.