Hành trang vào đời – Phần 2: 7Cs – SEVEN SEAS

2016-04-26Lá bài thứ hai tôi giới thiệu đến các bạn cũng có 7 nút là 7Cs. Các bạn đọc thành “Seven Seas”, tức là “Bảy biển”. Bảy Biển là cách diễn tả chỉ toàn cầu, toàn thế giới.
Thị trường một nước càng ngày càng mở cửa, tiến đến thị trường không có biên giới. Kỹ thuật công nghệ thông tin (IT) đang cung cấp các điều kiện thuận tiện cho các bạn dù ở trong nước vẫn có được tầm nhìn quốc tế. Các bạn có thể tiếp cận với kiến thức mới nhất của thế giới, trao đổi ý kiến, thông tin với các đối tác trên toàn cầu, điều kiện mà các thế hệ khoảng trước 1990 không có. Kỹ thuật IT là một “time machine” đốt giai đoạn giúp các bạn “nhảy vọt”. Trong chiều hướng đó nắm bắt được các nhân tố của 7C như nắm bắt được phép mầu, môi trường hoạt động, thi thố tài năng của các bạn sẽ không bị giới hạn trong vùng đất của quê hương mà sẽ lan rộng ra ngoài thế giới
Chữ C đầu tiên cũng là chữ quan trọng nhất trong đời dù ở tuổi nào, đó là chữ CURIOSITY – HIẾU KỲ. Đòi hỏi muốn biết, chuyện gì cũng hỏi tại sao là một nét đặc sắc của tuổi thơ. Nó là cơ sở của tinh thần cầu học, cầu tiến dẫn đến sự tích lũy kiến thức, trí tuệ và các khả năng nồng cốt khác. Không có kiến thức sẽ khiến các bạn nhìn một sự việc nhưng không thấy được bản chất của vấn đề. Từ đó, các bạn sẽ không thể phán đoán đúng, không chọn lựa được đúng hướng. Nhận định vấn đề, hiện trạng sai mà càng nỗ lực thực hiện cách giải quyết, các bạn càng đi lạc đường. Ta có câu “Sai một li, đi một dặm”.
Người có tính hiếu kỳ không bao giờ bằng lòng với những hiểu biết hiện có hoặc thành quả đã đạt được. Do đó tính HIẾU KỲ có một tác động phụ là giữ được tính khiêm nhượng, đè nén không cho tính tự mãn bộc phát. Người tự mãn về những thành quả ở quá khứ, hay tự hào về mình, đánh mất tính HIẾU KỲ, không giữ được tính cầu học, không trân trọng ý kiến của người khác, tự mình bỏ mất cơ hội vươn lên tầm cao hơn.
Một đặc tính của con người Nhật bản là tinh thần cầu học, cầu tiến. Họ đã tài tình cải tiến các tinh hoa thu nhập được cho thích hợp với điều kiện của đất nước họ. Các bạn có thể tìm thấy thí dụ trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của nước Nhật, Nhật Bản luôn luôn tích cực du nhập văn hoá văn minh từ ngoài vào.
Chữ C thứ hai là CHANGE – ĐỔI MỚI. Mọi sự việc đều đang trên tiến trình thay đổi. Tự mình tích cực, năng động đứng về phía đòi hỏi sự “Đổi mới”, thực hiện cải tiến tình trạng hiện có, ngày mai phải tốt hơn hôm nay, không chấp nhận sự dậm chân tại chỗ. Nếu không, sẽ đến lúc chính mình bị áp lực của môi trường chung quanh bắt buộc phải thay đổi.
Thị trường thay đổi cực kỳ nhanh chóng với những sản phẩm mới ứng dụng các khám phá mới của khoa học, phát minh mới của kỹ thuật. Những khám phá mới của Khoa học Kỹ thuật trong một thời gian ngắn có thể quét sạch một nền công nghệ lâu năm, trưng dụng hàng trăm ngàn nhân công. Thí dụ về những thay đổi cực kỳ nhanh chóng có thể tìm thấy trong các ngành chế tạo linh kiện điện tử, TV, iPhone / Smart Phone đã làm thay đổi thế lực của các hãng chế tạo sản phẩm điện tử trên thế giới. Rồi đây những đột phá mới về kỹ thuật chế tạo Pin Lithium, Pin nhiên liệu (Fuel Cell) sẽ làm đảo lộn cả ngành chế tạo ô-tô.
Chữ C thứ ba là chữ CHALLENGE – DÁM ĐƯƠNG ĐẦU với những thay đổi mới, dám lãnh công việc khó chưa ai dám nhận làm. Trên bình diện cá nhân đó là cách tiến thân hữu hiệu nhất và nhanh nhất. Trong cạnh tranh kinh doanh, tạo được sự khác biệt giữa ta với đối thủ là chìa khoá phân chia thắng bại. Khai thác thị trường mới chưa ai vào, khai thác mặt hàng mới độc đáo, khai thác kỹ thuật chế tạo mới, khai thác mô hình phục vụ khách hàng mới v.v… đều là những thách đố chiến lược để thực hiện khác biệt. Ở các công ty lớn, có Phòng Kế hoạch lo các vấn đề này, ở các công ty nhỏ nó là trách nhiệm của chính bản thân Tổng Giám Đốc.
Chữ C thứ tư là chữ CONCENTRATE – TẬP TRUNG. Dù là vấn đề của cá nhân, doanh nghiệp hay của quốc gia, lựa chọn mục tiêu trọng điểm đúng hướng và tập trung được khả năng cá nhân, tài nguyên kinh doanh hay tiềm năng quốc gia ở một thời điểm nhất định, nhằm thực hiện mục tiêu là một nhân tố trọng yếu mang tính chất chiến lược. Đối với các bạn, tập trung học thi là một thí dụ gần gũi nhất. Đối với doanh nghiệp, tập trung nguồn nhân sự tài chính và kỹ thuật để đột phá việc khai thác mặt hàng mới cho kịp thời hạn, hay tập trung tất cả tiềm năng của công ty để giải quyết khuyết tật máy móc tại hiện trường của khách hàng là 2 thí dụ cụ thể trong kinh doanh. Lấy tập trung để đánh phân tán là chiến lược giành độc lập của nước ta từ ngàn xưa. Những thí dụ vừa kể trên làm sáng tỏ sức mạnh mầu nhiệm của tập trung, giúp kẻ yếu có thể  tạo ra cái thế để thắng kẻ mạnh. Nhật Bản rất giỏi trong việc tập trung thực hiện những các công trình xây dựng có quy mô lớn, phải làm việc bất kể ngày đêm cho xong trong một thời hạn ngắn đã được chỉ định trước. Nó không những đòi hỏi khả năng tập trung mọi tiềm lực của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, tinh thần kỹ luật, tình đồng đội v.v…
Chữ C thứ năm là chữ COMMUNICATE – TRUYỀN ĐẠT. Trình bày được mọi ý nghĩ một cách dễ hiểu, gẫy gọn có cơ sở luận lý là nhân tố vô cùng quan trọng để được cấp trên chấp thuận một đế án hoặc để tranh thủ được sự cộng tác của đồng nghiệp và của các đối tác bên ngoài. Trong thực tế, người nói có thuyết phục được đối tác về một dự án mới, một phần nằm ở luận cứ của kế hoạch, nhưng phần lớn nằm ở nhiệt tình của người trình bày có làm cho người nghe chia sẻ được niềm tin, cái nóng bỏng trong tim của người nói hay không!
Chữ C thứ sáu là chữ COLLABORATE – CỘNG TÁC. Khả năng của một cá nhân đều có giới hạn của nó. Một sự nghiệp lớn có thể xuất phát từ và nằm dưới sự chỉ đạo của một cá nhân có tài, nhưng muốn thực hiện được nó, cá nhân đó cần phải nhờ đến sức của nhiều người, nhiều ngành khác nhau. Do đó khả năng tranh thủ được sự cộng tác của người khác là một nhân tố quan trọng cần phải nắm bắt. Ở đó khả năng truyền đạt, giải thích ý nghĩa của công việc, mục tiêu muốn vươn đến, khả năng phát hoạ được viễn ảnh của tương lai là điều vô cùng quan trọng để động viên tinh thần làm việc của mọi người cộng sự.
Chữ C cuối cùng trong 7 chữ C, nhưng cũng là chữ vô cùng quan trọng: CONTINUANCE – TIẾP TỤC ĐEO ĐUỔI, không bỏ nửa chừng. Người Nhật bản, không ai không biết câu “Tiếp tục tạo sức mạnh”. Từ lúc thiếu thời ai cũng được Cha Mẹ hay Thầy Cô nhắc nhở điều này. Ngoài ra Nhật bản còn có 3 KHÔNG:

“KHÔNG CHÁN  – KHÔNG VỘI  – KHÔNG BỎ CUỘC”

Nó đòi hỏi sự bền bỉ, tính nhẫn nại, sức chịu kham khổ trên đường đi đến đích.
Tóm tắt của phần này, tôi mong các bạn mãi mãi nuôi dưỡng tính Hiếu kỳ, cương quyết tự mình Đổi mới, Dám thách đố với các đổi mới, Tập trung mọi tiềm năng làm một việc trong một thời điểm. Đồng thời, các bạn cần siêng năng Trao đổi, Truyền đạt không những ý kiến, thông tin mà cả lý tưởng, niềm tin, chí hướng để tranh thủ lòng ngưuời, hết lòng Hợp tác, Cộng tác với mọi người và tìm sự cộng tác của mọi người. Và cuối cùng là phải Tiếp tục đeo đuổi thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao phó không bao giờ bỏ cuộc.    

  1.  C      CURIOSITY              – HIẾU KỲ
  2. C       CHANGE                   – ĐỔI MỚI
  3. C       CHALLENGE           – THÁCH ĐỐ, DÁM LÀM
  4. C       CONCENTRATE     – TẬP TRUNG
  5. C       COMMUNICATE      – TRAO ĐỔI / TRUYỀN ĐẠT
  6. C       COLLABORATE      – HỢP TÁC, CỘNG TÁC
  7. C       CONTINUANCE      – TIẾP TỤC ĐEO ĐUỔI

Đinh Văn Phước

Nội dung các bài học “Hành trang vào đời:”