Kinh tế thế giới: Tình hình 2003 và triển vọng 2004


Sau một chuỗi các cú sốc trong quý I/2003, dấu hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu được tăng lên vào cuối năm và rủi ro bất cân đối cũng giảm đi đáng kể. Mặc dù vậy, tốc độ và sức mạnh kinh tế còn chưa rõ ràng, lạm phát vẫn ở mức thấp, bất cân đối toàn cầu ngày càng mở rộng và tiếp tục phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế chung của Mỹ.


Theo dự báo mới nhất của IMF, trong năm 2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,2% và năm 2004 sẽ ở mức tăng trưởng 4,1% (cao hơn so với mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu 3% của năm 2002). Sự phục hồi kinh tế được dự báo cao hơn như vậy là nhờ vào tình hình chính trị ổn định hơn, giá dầu giảm, các chính sách khuyến khích kinh tế và thúc đẩy sản xuất của nhiều nước đang phát huy tác dụng, hậu quả của tình trạng kinh tế tài chính bong bóng đang từng bước được khắc phục.

Gần đây nhất, một số dấu hiệu hoạt động kinh tế (bao gồm đầu tư) đã tăng lên – đặc biệt là ở Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường mới nổi, nhất là ở châu Á. Với áp lực lạm phát được làm dịu bớt, các chính sách kinh tế vĩ mô đang được nới lỏng hơn nữa. Lãi suất cũng đã và đang giảm ở Mỹ và khu vực châu Âu, cũng như trong một số nước công nghiệp mới nổi khác; các chính sách tài khoá đã và đang được nới lỏng hơn nữa ở Mỹ và một số nước châu Á. Mức độ khuyến khích kinh tế vĩ mô giữa các nước công nghiệp chủ chốt vẫn rất khác nhau, với khuyến khích đáng kể ở Mỹ và Anh, trong khi lại tương đối ít ở Châu Âu và Nhật Bản.

Kinh tế Mỹ: Sau một năm phục hồi tăng trưởng, GDP của Mỹ lại giảm tốc độ tăng trưởng vào giữa năm 2002 do bất ổn định chính trị gia tăng với việc chuẩn bị phát động chiến tranh chống Irắc lẫn hậu quả tiếp tục từ tình trạng bong bóng giá chứng khoán. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu và năng lực quá lớn vẫn tiếp diễn, lạm phát đã và đang giảm đáng kể với chỉ số lạm phát giá tiêu dùng CPI vẫn ở mức dưới 2%. Cùng với việc đồng USD bị đánh giá thấp và giảm giá trị trong vòng hơn 1 năm qua, thâm hụt tài khoản vãng lai tiếp tục rơi vào mức thấp kỷ lục mới, và khác với năm trước, tài trợ thâm hụt này chủ yếu là do bán trái phiếu Chính phủ và công ty (phần lớn là bán cho các ngân hàng trung ương châu Á) hơn là thông qua các dòng vốn vào.

Tuy vậy, nền kinh tế Mỹ vẫn là đầu tầu của quá trình phục hồi kinh tế nhờ các chính sách cắt giảm thuế và lãi suất (hiện ở mức 1% – mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua). Đến quý III/2003, kinh tế Mỹ đã tăng 8,2%, mức tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua. Số lượng đơn đặt hàng sản xuất và lượng hàng xuất khâủ tăng và sự chuyển biến khá của thị trường chứng khoán tạo đà cho kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng. IMF ước đoán GDP của Mỹ năm 2003 tăng 2,6% và dự báo năm 2004 tăng 3,9% (trong khi đó Uỷ ban Kinh tế châu Âu của LHQ – UNECE ước tính đạt 2,2% năm 2003 và 3,4% năm 2004).

Mặc dù vậy, IMF cũng đã đưa ra một số cảnh báo đối với nền kinh tế Mỹ là: Rủi ro thất nghiệp cao (hiện vẫn đang dao động trong khoảng 6%); thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ vào khoảng 5,2% GDP và sự biến động thất thường của giá trị đồng USD cũng là một trong số những rủi ro tiềm ẩn.

Kinh tế Nhật Bản: Kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi trì trệ. Theo những ước tính sơ bộ, GDP trong năm 2003 tăng đáng kể và vượt xa con số dự báo trước đó. Sự phục hồi kinh tế Nhật Bản hiện nay là khá ổn định nhờ môi trường trong và ngoài nước được cải thiện, giá chứng khoán tăng, số vụ phá sản công ty giảm, đầu tư tăng. Điều đáng khích lệ là tăng trưởng kinh tế Nhật Bản gần đây không phụ thuộc vào xuất khẩu mà còn dựa vào nhu cầu và chi tiêu cá nhân trong nước mạnh.

IMF ước đoán mức tăng GDP Nhật Bản ước đạt 2% trong năm 2003 và 1,4% trong năm 2004 (Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD là 2,7% năm 2003 và 1,8% năm 2004). IMF cho rằng, Nhật Bản đã có một số tiến bộ trong giải quyết các khoản nợ khó đòi của hệ thống ngân hàng nước này, lợi nhuận công ty đã tăng lên và giảm phát đã phần nào được kiểm soát.

Tuy nhiên, IMF vẫn cảnh báo hậu quả của giảm phát kéo dài, sự yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng và các công ty và việc đồng yên tăng giá mạnh sẽ là những nhân tố cản trở tăng trưởng kinh tế cao của Nhật Bản và tác động bất lợi đến quá trình phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Kinh tế châu Âu: Tình hình kinh tế khu vực Châu Âu năm 2003 và triển vọng kinh tế năm 2004 theo IMF là tương đối “ảm đạm”. Sự phục hồi kinh tế khu vực này diễn ra rất chậm, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái do cầu trong nước thấp, trong khi đồng Euro bị đánh giá cao hơn so với thực tế và thất nghiệp vẫn đang ở mức cao nhất thế giới (khoảng 9%). GDP trong quí II/2003 ở các nền kinh tế các nước lớn như Đức, Pháp, Itaila đã giảm; trong khi Hà Lan và Bồ Đào Nha rơi vào suy thoái. Mặc dù một số lĩnh vực đã có sự tăng trưởng, nhưng các chỉ số kinh tế chủ chốt như lòng tin tiêu dùng và kinh doanh nhìn chung vẫn thấp, thất nghiệp gia tăng, và sản xuất công nghiệp vẫn chưa tăng trưởng ổn định. Thâm hụt ngân sách của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Euro là Đức và Pháp có thể lên tới 3,5% đến 4% trong năm 2003.

IMF ước đoán, tăng trưởng kinh tế khu vực này chỉ tăng 0,5% trong năm 2003 và tăng trưởng có thể sẽ tương đối mạnh trong năm 2004 là 1,9% nhờ những nỗ lực cải cách kinh tế sâu rộng của các nước lớn cũng như tác dụng của đợt cắt giảm lãi suất hồi tháng 6/2003 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Theo IMF, vấn đề chính mà khu vực đồng Euro hiện đang phải đối mặt đó là cải cách cơ cấu, và ECB cần thiết phải cắt giảm lãi suất hơn nữa để hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế ở đó. IMF nhận định rằng các nước khu vực SNG đã có sự khởi sắc. Xuất khẩu các nước SNG tăng mạnh và đồng rúp Nga ổn định đã giúp các nước SNG đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2003 và 5,0% trong năm 2004 (theo UNECE là 6,3% năm 2003 và 5,3% năm 2004). Trong khi hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô được cải thiện, giá hàng hoá tăng, nợ nước ngoài giảm là các nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển. Tăng trưởng GDP của Nga ước đạt 6,0% năm 2003 và dự báo đạt khoảng 5% năm 2004.

Trong khi đó, báo cáo của UNECE cho biết, trong năm tới Đông Âu, các nước vùng Bantích và SNG vẫn phát triển năng động nhất khu vực này. Năm 2004, dự báo kinh tế Đông Âu tăng 4,4% so với mức tăng 3,6% năm 2003. Kinh tế khu vực này vẫn bị kích thích bởi quá trình phục hồi kinh tế của các nước Liên minh châu Âu (EU). Theo UNECE, GDP của Ba Lan tăng 5%, Hunggari tăng 3,5%, Xlôvakia 4%; Kinh tế các nước vùng Bantích tăng 6; Kinh tế Ucraina tăng 5% trong năm 2004, sau khi đạt mức tăng trưởng 6,5% năm 2003.

Kinh tế các nước châu Á: Châu Á được nhận định là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất và ổn định nhất thế giới, đặc biệt là trong những nền kinh tế mới nổi lên. Khu vực này vẫn đang duy trì được thặng dư cán cân thanh toán vãng lai cao. Các dòng vốn vào tăng mạnh và ước đạt khoảng trên 110 tỉ USD trong năm 2003 – mức cao nhất kể từ giữa những năm 1990. IMF cho rằng, tăng trưởng kinh tế Châu á là 5% năm 2003 và 5,6% năm 2004 (theo UNECE là 5,7% năm 2003 và 6,2% năm 2004) bất chấp dịch SARS hoành hành trong những tháng đầu năm 2003, trong đó tăng trưởng kinh tế của 4 nước lớn khu vực ASEAN có thể đạt mức 4,1% trong năm 2003 (so với mức 4,3% của năm 2002) và sẽ tăng lên mức 4,4% vào năm 2004.

Kinh tế khu vực Nam Á sẽ đạt mức tăng 5,4% nhờ đầu tầu kinh tế ấn Độ tăng trưởng mạnh (khoảng 5,6% năm 2003 và 5,9% năm 2004). Trung Quốc vẫn là nước có mức độ tăng trưởng cao nhất thế giới với mức ước đạt 7,5% trong năm 2003.

Mặc dù vậy, IMF cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực châu Á, đó là sự phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu (sang Mỹ), vào tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và đặc biệt là sự phục hồi của lĩnh vực công nghệ thông tin.

IMF cho rằng để kinh tế khu vực này tăng trưởng ổn định, các nước Châu Á cần phải:
– Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đặc biệt là với một số nước như Trung Quốc, Việt Nam…
– Thứ hai, tái cơ cấu lĩnh vực doanh nghiệp, kể cả thuộc khu vực Nhà nước lẫn khu vực doanh nghiệp tư nhân.
– Thứ ba, các nước châu Á cần phải có chế độ tỉ giá linh hoạt hơn và cần phải giảm dự trữ ngoại tệ (vốn đang ở mức cao nhất thế giới). Hiện nay, rất nhiều đồng tiền còn ở tỷ giá thấp như: Nhân dân tệ Trung Quốc, đôla Hồng Công, đôla Xingapo, bạt Thái, won Hàn Quốc… và khả năng các ngân hàng trung ương những nước này không can thiệp vào thị trường nếu như đồng Euro và đồng yên Nhật Bản tiếp tục tăng giá như mức hiện nay.

Kinh tế khu vực Trung Đông-Thổ Nhĩ Kỳ: Bất chấp sự bất ổn định chính trị trong khu vực, kinh tế khu vực Trung Đông vẫn ước tính đạt 5,1% so với mức tăng 1,2% của năm 2002, do giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, dự báo năm 2004 mức tăng trưởng kinh tế sẽ giảm mạnh, khoảng 4,6%, do giá dầu giảm khi Irắc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu dầu và rủi ro do tình hình chính trị vẫn không được cải thiện. Tuy nhiên, các nước có nền kinh tế không phụ thuộc vào dầu mỏ sẽ vẫn tăng trưởng ổn định vào năm 2004.

IMF nhấn mạnh rằng chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế cao và ổn định của khu vực này là giảm tỉ lệ thất nghiệp, cân bằng kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, giảm sự can thiệp của Chính phủ, tăng cường thể chế và sự giám sát, tự do hoá hơn nữa trong lĩnh vực thương mại, cải cách hệ thống thuế và lĩnh vực tài chính…

Kinh tế Châu Phi: OECD dự đoán GDP Châu Phi năm 2003 đạt khoảng 3,7% năm 2003 và dự báo đạt khoảng 4,8% năm 2004.

Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribê: Sự phục hồi kinh tế khu vực này theo IMF vẫn còn khá mỏng manh tuy nhiên đã dần được ổn định. Nguyên nhân khiến cho sự phục hồi kinh tế khu vực này chưa mạnh là do vấn đề nợ nần, bất ổn định chính trị và tính chất dễ tổn thương của các thị trường tài chính. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực Mỹ Latinh được ước đoán sẽ chỉ đạt 1,1% trong năm 2003. Kinh tế các nước như Mêhicô, Braxin, Áchentina tiếp tục yếu đi do hậu qủa khủng hoảng kinh tế. IMF cũng cho rằng kinh tế khu vực này cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu và giảm thất nghiệp để hỗ trợ kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Bên cạnh việc đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2003 và dự báo năm 2004 thế giới và các khu vực và các nước, IMF cũng đã đưa ra các chính sách ưu tiên bao gồm:

Trong các nước phát triển, các chính sách tiền tệ cần thiết phải được duy trì phù hợp. Ở Mỹ lãi suất cơ bản chủ đạo hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Cho dù như vậy, nhưng nếu các hoạt động kinh tế tiếp tục đình trệ, rủi ro giảm phát tiềm tàng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết lãi suất thấp có thể vẫn tiếp tục được duy trì. Chính sách tài chính đã và đang hỗ trợ kích cầu, tuy nhiên có thể vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, vì thế hiện nay cần phải thiết lập một nền tảng trung hạn đáng tin cậy nhằm phục hồi cân bằng và đặt an toàn xã hội và an sinh lên hàng đầu. Trong khu vực châu Âu, áp lực lạm phát đang giảm trong sự yếu kém của các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ là cần thiết nếu lạm phát đe doạ đáng kể đến nền kinh tế. Trong các nước lớn châu Âu, củng cố tài chính trung hạn vẫn là một vấn đề ưu tiên hàng đầu. Đối với Nhật Bản, những số liệu gần đây đều cao hơn mức dự báo, một chính sách tiền tệ năng động hơn – song song với chiến lược rõ ràng và một cam kết giảm phát trong giai đoạn ngắn – vẫn rất cần thiết. Căn cứ vào nợ và thâm hụt công cộng cao, củng cố cấu trúc tài khoá chậm chạp. Hầu hết tất cả các nước công nghiệp, cải cách lĩnh vực lương hưu và sức khoẻ là cần thiết để giảm áp lực tương lai từ việc dân số già hoá.
Trong các thị trường mới nổi, các chính sách ưu tiên hàng đầu thay đổi theo từng khu vực. ở khu vực Mỹ Latinh, gần đây các đồng tiền trong khu vực này đã và đang tăng giá nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng ở một số nước, thế nhưng các điều kiện tài chính vẫn chưa được cải thiện – điều đó sẽ khiến cho tốc độ củng cố tài khoá và cải cách cơ cấu khó có thể được duy trì. ở các nước châu Á, các chính sách kinh tế vĩ mô đã và đang được nới lỏng tương đối trong một số nước; tác động của dịch SARS được giảm thiểu. Trong nhiều nước mới nổi và nhiều nước đang phát triển, nỗ lực cơ bản nhằm cải thiện nợ công cộng trung hạn bao gồm cải cách thuế, tăng cường tổ chức và tái cơ cấu nhằm đẩy mạnh tăng trưởng – là một ưu tiên tập trung hàng đầu.
Trên cơ sở đó tiếp tục giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế thế giới vào sự tăng trưởng kinh tế Mỹ và giảm bất cân đối toàn cầu, cải cách cơ cấu phải được thực hiện nhanh chóng.

Các nhà hoạch định chính sách cần thiết phải quản lý, giám sát những tác động của việc giảm giá hơn nữa đồng USD trong trường hợp có thể xảy ra./.
[Nguồn tư liệu: Viện Nghiên cứu – Bộ Tài chính, Quĩ Tiền tệ Quốc tế, Uỷ ban Kinh tế Châu Âu của LHQ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế]