Những công việc cần làm để Việt nam sớm gia nhập WTO.


Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization – WTO) là một thể chế pháp lý của hệ thống thương mại đa phương, được thành lập vào năm 1995 trên cơ sở các thoả thuận đạt được ở vòng đàm phán Uruguay (1986 – 1994) trong khuôn khổ của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (General Agreement on Tarrif and Trade – GATT). WTO là sự phát triển và thay thế GATT, nó là nền tảng của tiến trình phát triển các quan hệ thương mại trên thế giới thông qua các cuộc thảo luận, thương lượng và phán xét có tính tập thể của các quốc gia thành viên. Hiện nay WTO có 148 quốc gia thành viên với Campuchia là quốc gia vừa mới được kết nạp gần đây nhất. Việt Nam đã xin gia nhập WTO từ năm 1995, hiện là quan sát viên và dự kiến sẽ gia nhập tổ chức này vào năm 2005.


Những cơ hội mới

Quá trình gia nhập WTO của Việt Nam không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế đối ngoại mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội và góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, việc gia nhập WTO của Việt Nam là một tất yếu trong quá trình phát triển của mình. Khi gia nhập WTO Việt Nam sẽ thực sự tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, nó sẽ tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Trước hết, việc gia nhập WTO cho phép Việt Nam tiếp cận đến môi trường thương mại toàn cầu, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá và các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Bởi vì, khi đó Việt Nam sẽ được hưởng qui chế tối huệ quốc, qui chế đối xử quốc gia, sẽ không bị phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế. Việt Nam sẽ được hưởng những thành quả đàm phán suốt mấy chục năm của GATT và WTO, mà cụ thể là giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tạo điều kiện cho một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như hàng dệt may, nông sản, lương thực và sau này là các mặt hàng công nghiệp chế tạo xâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường thế giới, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và EU. Tác dụng của việc hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN), tránh bị phân biệt đối xử (NT), thể hiện rõ nét trong mức thuế thấp, những quy định và thể lệ xuất khẩu khác như: tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa … đỡ ngặt nghèo hơn. Ngoài ra, khi gia nhập WTO, Việt Nam còn có thể được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), là mức ưu đãi cao nhất do các nước công nghiệp phát triển dành cho các nước đang phát triển khi xuất khẩu hàng hoá công nghiệp chế biến vào các nước này mà không đòi hỏi điều kiện có đi có lại.

Thứ hai, khi gia nhập WTO Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế lớn như WB, IMF, EDB, ADB… bởi vì WTO có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ với các tổ chức tài chính thế giới đó. Việt Nam đã đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế này để tranh thủ nguồn vốn ưu đãi và trong quá trình đàm phán đó, họ đều yêu cầu Việt Nam phải thực hiện cơ chế chính sách thương mại của mình theo những chuẩn mực của WTO. Vì vậy, nếu Việt Nam không có những cam kết và cơ chế chính sách theo quy tắc, chuẩn mực của WTO, thì việc vay vốn ưu đãi từ các tổ chức này sẽ hết sức khó khăn. Đồng thời, nếu là thành viên của WTO, việc tranh thủ nguồn viện trợ, vay ODA và các nguồn tín dụng song phương khác của Việt Nam cũng sẽ dễ dàng hơn.

Thứ ba, gia nhập WTO là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh cải cách kinh tế theo thể chế thị trường, bởi vì , WTO yêu cầu các quốc gia thành viên phải mở của thị trường của mình, tăng cường trao đổi thông tin về kinh tế – thương mại, tăng tính trong sáng trong việc quản lý thương mại. Tạo điều kiện cho nền kinh tế thị trường Việt Nam hoà nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới với những luật chơi của nó. Đồng thời, khi là thành viên của WTO Việt Nam có thể tham gia thương lượng và giải quyết những tranh chấp thương mại trên thị trường thế giới nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, bởi vì, các quốc gia không phải là thành viên của WTO sẽ không có quyền tham gia những cuộc đàm phán, thương lượng phân chia quyền lợi và thị trường. Các cuộc tranh chấp thương mại lớn về các mặt hàng như chuối, tôm và gần đây là thép… giữa các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc … diễn ra thường xuyên và hiện đang được WTO phân xử cho phép phía EU, Nhật, Trung Quốc được quyền đánh thuế trừng phạt các hàng hoá của Mỹ nếu Mỹ không giảm thuế đối với mặt hàng thép của các nước này. Như vậy, nếu không phải là thành viên của WTO thì không thể bảo vệ lợi ích kinh tế của quốc gia mình nếu gặp những tranh chấp thương mại kiểu “cá ba sa” giữa Mỹ và Việt Nam vừa qua.

Những việc cần làm

Với những phân tích trên, việc Việt Nam gia nhập WTO là cần thiết, tuy nhiên, muốn sớm gia nhập WTO Việt Nam cần phải tích cực giải quyết một số vấn đề sau đây:

1. Đẩy mạnh cải cách thể chế:

Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế kinh tế theo hướng phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh quá trình cạnh tranh và tự do hoá hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, thương mại.

Ở Việt Nam quan niệm thị trường điều tiết các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn quá mới mẻ đối với các nhà quản lý kinh tế – xã hội mặc dù đã trải qua nhiều năm chuyển sang kinh tế thị trường. Điều này thể hiện thông qua các hoạt động hằng ngày của các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan nhà nước vẫn mang nặng tư tưởng là sẽ quản lý tất cả các hoạt động của xã hội kể cả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, nên dù luật doanh nghiệp đã có hiệu lực mà các cơ quan bộ, ngành vẫn muốn duy trì hệ thống cấp giấy phép như trước đây. Luật cạnh tranh đến bây giờ vẫn chưa ra đời được mặc dù đã nhiều lần soạn thảo, bởi vì vẫn tồn tại quan niệm không muốn phá thế độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước ở một số ngành được cho là cần thiết phải giữ. Nếu không sớm ban hành và thực hiện luật cạnh tranh và chống độc quyền thì khó có thể đẩy nhanh quá trình đàm phán để gia nhập WTO, bởi vì, cơ sở hoạt động của WTO là đẩy mạnh sự tự do hoá hoạt kinh tế, thương mại và đầu tư trên toàn thế giới. Tất nhiên một khi mình không mở cửa thị trường của mình thì người ta cũng sẽ không cho mình vào thị trường của họ.

Nhiều người vẫn còn quan niệm rằng cần phải giữ thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước trong các ngành, lĩnh vực tối cần thiết của nền kinh tế như: năng lượng, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, ngân hàng, kiểm toán….Cần nhớ một điều là muốn đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không chỉ là giữ thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, bởi vì doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Vả lại, muốn thực hiện vai trò chủ đạo thì doanh nghiệp nhà nước phải là người đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về mặt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế-xã hội và chấp hành pháp luật. Muốn thế thì càng phải để cho các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Bởi lẽ, có cạnh tranh mới thấy được mình mạnh, yếu ra sao mà tự hoàn thiện cho tốt hơn về các mặt: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất, chất lượng, hiệu quả…Vì vậy, việc mở cửa các thị trường mà trước đây doanh nghiệp nhà nước độc quyền là việc làm cần thiết, cấp bách để tạo điều kiện cho cơ chế thị trường hoạt động theo đúng nghĩa của nó, còn sự điều tiết của Nhà nước chủ yếu thông qua các công cụ vĩ mô như: hệ thống luật pháp, các công cụ kinh tế vĩ mô: chính sách tài chính, tiền tệ, phân phối và ngoại thương….Đến lượt mình thị trường hoạt động tốt sẽ tạo điều kiện cho sự hội nhập thành công, bởi vì khi ấy qua quá trình đào thải của thị trường các doanh nghiệp nào trong nước thuộc các thành phần kinh tế mà tồn tại và phát triển thì đã có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Việc hình thành các tập đoàn, công ty nhà nước mạnh hoạt động giống các tập đoàn tư nhân (công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn một thành viên) như ở Nhật Bản, Hàn Quốc trong khi chưa tạo điều kiện để có môi trường cạnh tranh gay gắt nhằm kích thích các công ty đó hoạt động có hiệu quả sẽ dẫn đến những kết cục bất lợi cho quá trình tăng trưởng nhanh theo hướng thị trường, bất lợi cho quá trình hội nhập. Kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc đã chỉ rõ điều đó. Khi nền kinh tế lâm vào cuộc suy thoái, nền tài chính gặp khó khăn, khu vực kinh tế quốc doanh trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia vì nó hoạt động không hiệu quả nên chính phủ Nhật và Hàn Quốc đã tiến hành đóng cửa các công ty quốc doanh làm ăn yếu kém và tư nhân hoá các công ty quốc doanh khác.

Cần nghiên cứu mô hình của Đài Loan, bởi vì Đài Loan đi theo mô hình vừa và nhỏ mà vẫn thành công. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đài Loan chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp. Đài Loan vừa gia nhập WTO cùng với Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng 1997 ở khu vực Đài Loan lại không bị ảnh hưởng mạnh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo chúng tôi, tốt nhất là Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình tạo môi trường cho cạnh tranh bằng việc hạn chế thành lập các công ty khổng lồ kiểu tập đoàn kinh tế, nhất là thuộc sở hữu nhà nước dù là hình thức trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay công ty cổ phần. Hãy hạn chế việc phát triển thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, tích cực chống các xu hướng độc quyền và các hiệp hội kinh doanh kiểu hiệp hội Taxi định giá quá cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng như hiện nay…

2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo thông lệ quốc tế:

Phổ biến luật pháp trong nước và luật pháp các nước cho mọi thành viên trong xã hội nhất là đối với các nhà kinh doanh. Đây cũng là một yêu cầu của WTO đòi hỏi các quốc gia thành viên phải thực hiện.

Các chế độ luật pháp của một quốc gia ảnh hưởng đến công việc kinh doanh trong một nước, giữa hai nước hay nhiều nước. Những ảnh hưởng chủ yếu của luật pháp thường là: luật thương mại, luật về bảo vệ các bằng sáng chế, phát minh, nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả, các tiêu chuẩn kế toán; luật môi trường, những quy định về an toàn và sức khỏe; luật doanh nghiệp, sự thành lập doanh nghiệp; luật lao động; luật chống độc quyền và các hiệp hội kinh doanh; thuế khoá và giá cả.

Trong thời gian qua, việc am hiểu pháp luật và thực thi pháp luật ở Việt Nam rất yếu kém. Ở Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp có thói quen khi nảy sinh những tranh chấp gì trong sản xuất kinh doanh thì họ thường không đưa ra toà án giải quyết mà tự giải quyết với nhau. Điều đó được hiểu bởi lẽ hệ thống pháp luật của Việt Nam còn yếu, thiếu đồng bộ và luôn thay đổi. Đồng thời, cơ quan thực thi pháp luật còn tuỳ tiện giải quyết công việc không theo pháp luật, khiến cho người dân và doanh nghiệp không tin tưởng vào hệ thống pháp luật và hệ thống thực thi pháp luật. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm nhà đầu tư nước ngoài ngán ngại khi đến Việt Nam nên tình hình sụt giảm đầu tư nước ngoài thời gian gần đây tất yếu xảy ra.

Ngoài ra, việc tìm hiểu và thực hiện pháp luật trong nước không tốt thì việc tìm hiểu và thực thi pháp luật của nước khác cũng như pháp luật quốc tế cũng sẽ không tốt. Ở Việt Nam việc sản xuất hàng gian, giả, nhái nhãn hiệu, ăn cắp mẫu mã… diễn ra thường xuyên. Điều này gây thiệt hại cho những người làm ăn chân chính, sáng tạo, còn người gian dối và ăn cắp thì được lợi. Đồng thời, quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị vi phạm một cách trắng trợn thể hiện qua việc phải tiêu dùng những hàng hoá giả nhãn hiệu, không đảm bảo chất lượng….dẫn đến nhiều trường hợp tiền mất tật mang mà người bán hàng hoá đó chẳng bị phạt vạ hay bồi thường gì cho người bị hại.

Việc buôn lậu, trốn thuế là thường xuyên xảy ra. Những vụ án buôn lậu lớn gần đây khi bị phát hiện đều có liên quan đến cán bộ nhà nước ở các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật như: công an, toà án, viện kiểm sát, hải quan, quản lý thị trường…. Thậm chí nhiều công ty nhà nước, công ty thuộc các tổ chức như quân đội, công an… cũng tham gia vào việc buôn lậu, trốn thuế. Thói quen trốn thuế, sản xuất hàng giả, ăn cắp mẫu mã của nhau … sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam không thể kinh doanh đúng luật trên thị trường nước khác và trên thị trường thế giới được. Nếu để tình hình này tiếp diễn thì cũng có nghĩa là các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam không thể nào hội nhập được. Bởi vì, một trong các Hiệp định của WTO có Hiệp định về các khía cạnh sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs), yêu cầu các nước thành viên phải có hệ thống bảo vệ bản quyền, bằng phát minh, sáng chế, nhãn mác hàng hoá…rất nghiêm ngặt.

3. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân:

Vì khu vực kinh tế tư nhân luôn là một khu vực kinh tế năng động và là lực lượng chủ yếu của các nền kinh tế khi tham gia vào toàn cầu hoá kinh tế. Đây cũng là một yêu cầu của WTO đối với các quốc gia thành viên, bởi vì nó thể hiện sự tự do hoá hoạt động kinh tế – thương mại, đầu tư tại quốc gia đó thông qua sự hoạt động bình đẳng của các thành phần kinh tế. Việc khu vực kinh tế tư nhân có phát triển hay không cũng thể hiện cơ chế WTO có được thực hiện tốt hay không ở một quốc gia. Vì vậy, Việt Nam có sớm trở thành thành viên của WTO hay không còn phụ thuộc vào các chính sách kinh tế nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Trong những năm qua, ở Việt Nam kinh tế tư nhân đã được khuyến khích phát triển và nó đã có những bước tăng trưởng đáng kể, nhất là ở khu vực các tỉnh thành thuộc các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Phú, Hải Phòng… Qua bốn năm thực hiện luật doanh nghiệp đã có gần 80.000 doanh nghiệp mới ra đời. Ở Việt Nam kinh tế tư nhân đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều thể hiện ở việc các công ty tư nhân Việt Nam đã bắt đầu mua lại thương hiệu hàng hoá của các công ty nước ngoài (trường hợp công ty Kinh Đô mua lại kem Wall’s của công ty Unilever Việt Nam của Mỹ) và đã có nhiều công ty tư nhân Việt Nam vươn ra thị trường bên ngoài như công ty cà phê Trung Nguyên, công ty gốm sứ Minh long… Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng kinh tế tư nhân chưa được quan tâm đúng mức từ các mặt quan điểm, cơ chế, chính sách. Hiện nay khu vực này chỉ chiếm khoảng 25% GDP.

Việt Nam cần phải tập trung tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển hơn nữa để nó tương xứng với vai trò, vị trí của nó trong nền kinh tế quốc dân như ở các nước phát triển khác. Về mặt quan điểm và nhận thức, Đại hội Đảng lần IX đã khẳng định thành phần kinh tế tư nhân được tồn tại và phát triển lâu dài. Trong thực tế, quan điểm này chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Điều này thể hiện ở chỗ trong công việc hàng ngày người ta vẫn còn phân biệt đối xử đối với khu vực kinh tế tư nhân, vẫn có cái nhìn không thiện cảm đối với khu vực này. Người ta vẫn ưu tiên cho khu vực kinh tế nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh, tài chính cho đến tín dụng, ngân hàng và các vấn đề khác. Trong kinh doanh, còn nhiều lĩnh vực kinh tế tư nhân không được làm như kinh tế nhà nước. Về vốn, việc tiếp cận đến các nguồn vốn của khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn, nhất là vốn vay ưu đãi. Vấn đề sử dụng đất đối với khu vực tư nhân cũng chưa rõ ràng, kinh tế tư nhân phải chịu mức giá thuê đất cao hơn khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, giá các loại dịch vụ, các loại thuế và lệ phí áp dụng cho khu vực tư nhân còn quá cao.

Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân chậm phát triển và có những biểu hiện tiêu cực còn do ảnh hưởng của chính bộ máy công quyền còn mang nặng tính quan liêu, cửa quyền và không trong sạch. Một khi Chính phủ có các chính sách ưu đãi nào đối với khu vực tư nhân thì các doanh nghiệp tư nhân chậm nhận được những ưu đãi đó vì thói quan liêu, cửa quyền và tham nhũng của các cán bộ thực hiện chính sách khiến cho doanh nghiệp nào muốn nhận những ưu đãi thì phải hối lộ và vi phạm pháp luật. Các vụ án Epco, Lã Thị Kim Oanh…đã thể hiện rõ điều đó. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn vay vốn tín dụng từ ngân hàng thì rất khó vay, ngân hàng đòi hỏi họ phải thực hiện hết thủ tục này đến thủ tục khác mà vẫn không nhận được vốn. Nhưng riêng nhóm này thông qua hành vi hối lộ cho cán bộ ngân hàng thì hàng ngàn tỷ đồng chúng cũng được nhận trong thời gian ngắn. Hiện tượng đó hiện nay vẫn còn rất nhiều trong cả nước mà không sao phát hiện hết.

Những trở ngại đó đã làm cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển rất yếu, manh mún, nhỏ bé và thường vi phạm pháp luật, làm cho xã hội có cái nhìn không tốt về khu vực tư nhân. Điều đó có một phần trách nhiệm của bộ máy quản lý hành chính và các cán bộ có chức quyền quản lý. Không một doanh nhân nào muốn vi phạm pháp luật, họ chỉ muốn có điều kiện để làm ăn chân chính theo luật định. Nhưng trong điều kiện bộ máy công quyền nhũng nhiễu dân chúng thì muốn làm ăn họ phải vi phạm pháp luật dù họ không muốn. Vì vậy, trong thời gian sắp đến để cho kinh tế tư nhân phát triển một cách nhanh chóng và lành mạnh, chính phủ Việt nam cần tập trung sự quan tâm tạo mọi điều kiện cho khu vực này được hoạt động bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật với các khu vực kinh tế khác, nhất là với khu vực kinh tế nhà nước. Đồng thời, nhà nước Việt Nam cần phải đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, làm trong sạch bộ máy công quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và đạo đức, phù hợp với cơ chế thị trường và sự hội nhập kinh tế thế giới hiện nay ª

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Vũ Hoàng, Các liên kết kinh tế thương mại quốc tế, NXB Thanh niên, Hà Nội 2003.

2. Chính sách công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, NXB Thống kê, Hà Nội 2003.

3.Việt Nam hội nhập kinh tế trong xu thế toàn cầu hoá: vấn đề và giải pháp, NXB Chính trị quốc gia , Hà Nội 2002.

4. Các văn bản hướng dẫn xây dựng cam kết của Việt Nam gia nhập WTO, tài liệu của Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ thương mại.

(Bài viết của TS.Kinh tế Nguyễn Văn Trình )