Lịch sử trước Minh Trị


Prepared by Nguyễn Đức Kính, Lê Hải Đoàn, Nguyễn Hữu Minh
Published on VYSA by Nguyễn Đức Kính

Q: Nước Yamatai có thật sự tồn tại hay không?
Q: Thời Kofun như thế nào?
Q: Thời Nara như thế nào?
Q: Thời Heian như thế nào?
Q: Thời Kamakura như thế nào?
Q: Thời Muromachi như thế nào?
Q: Thời Azuchi-Momoyama như thế nào?
Q: Thời Edo như thế nào?

Q: Nước Yamatai có thật sự tồn tại hay không?

Trong cuốn sách lịch sử Nguỵ chí Hoà nhân truyền của Trung Quốc có ghi rằng vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ 2 nước Nhật ở trong tình trạng hỗn loạn. Khi đó có nữ vương nước Yamatai tên là Himiko (Ty di hô) đứng lên thống nhất đất nước. Việc nước Yamatai tồn tại là không phủ nhận được nhưng vị trí nước đó ở đâu thì cho đến nay vẫn còn chưa minh bạch và là chủ đề cho các cuộc tranh luận. Có hai thuyết cơ bản, một là nước Yamatai nằm ở địa phận Kyushu ngày nay, hai là nước Yamatai nằm tại vùng phụ cận tỉnh Nara hiện nay.

Q: Thời Kofun như thế nào?

“Ko” l à “Cổ”, “Fun” là “Phần” trong “mộ phần”. Kofun nghĩa là mộ cổ của tầng lớp hào tộc, ngôi mộ nào cũng có hình một ngọn núi nhỏ được vun cao bằng đất. Trên các ngôi mộ đó có đặt một tượng người hoặc ngựa bằng đất gọi là Haniwa để trang trí. Trong ngôi mộ có một hầm đá đựng di hài người quá cố cùng với vũ khí, gương, quần áo …
Kiểu xây mộ này rất thịnh hành trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 4 đến cuối thể kỷ thứ 7. Chính vì vậy người ta gọi thời kỳ này là thời Kofun. Từ thời này trở đi dần dần một nước Đại Hoà thống nhất được thành lập. Vào đầu thế kỷ thứ 7, thái tử Thánh Đức (574-622) đưa ra chính sách Quán vị thập nhị giai (tức là chế độ mười hai cấp bậc quan lại) và Hiến pháp thập thất điều nghĩa là hiến pháp 17 điều, tạo ra nền tảng lập pháp đầu tiên của quốc gia. Đây cũng là thời kỳ này có nhiều nghệ nhân, thợ thủ công mang kỹ thuật từ Trung Quốc, Triều Tiên đến truyền bá tại Nhật.

Q: Thời Nara như thế nào?

Nara là thời kỳ trải dài từ năm 710 đến năm 794 với kinh đô Bình Thành (Heijou kyou) đặt tại Nara. Nara là thời kỳ thi hành chính sách trung ương tập quyền và chế độ pháp trị. Phật giáo được nhà nước bảo hộ và phát triển rộng khắp. Tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới đặt tại chùa Todai (Đông Đại tự) hiện nay được làm ra trong thời kỳ này. Thời đại này cũng là giai đoạn mở rộng giao lưu văn hoá rộng rãi với các nước khác mà trung tâm là nhà Đường ở Trung Quốc. Ngoài ra có thể thấy một ảnh hưởng lớn của văn hoá Triều Tiên, Ấn Độ và Ba Tư trong thời đại này.

Q: Thời Heian như thế nào?

Vào cuối thế kỷ thứ 8, kinh đô được dời đến Kyoto và kéo dài trên một ngàn năm trong đó thời kỳ Heian (Bình An) dài 400 năm cho đến thế kỷ thứ 12. Tiếp theo thời kỳ Nara, quý tộc dưới quyền của Thiên hoàng vẫn nắm quyền cai trị đất nước. Đồng thời hào tộc ở khắp nơi cũng dần dần mở rộng việc tư hữu đất đai rồi trang bị vũ khí, đoàn kết lại để bảo vệ mình khỏi chiến tranh với các khu vực láng giềng. Cuối cùng một gia tộc tên là Taira đã thu hết quyền lực chính trị vào trong tay, mở đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ của võ sĩ. Về mặt văn hoá, Nhật Bản đi từ việc chỉ mô phỏng và tiếp thu văn hoá Đường tới chỗ cải tiến và phát huy chúng cho hợp với phong thổ và cảm tính đặc thù của người Nhật. Tác phẩm nổi tiếng thế giới Nguyên thị vật ngữ (Chuyện kể Nguyên thị) của tác giả Murashiki Shikibu được sáng tác trong thời kỳ này.

Q: Thời Kamakura như thế nào?

Taira, gia tộc nắm quyền lực chính trị cho đến cuối thời kỳ Heian bị gia đình Minamoto diệt. Sau đó năm 1192, Minamoto Yoritomo trở thành Chinh di đại tướng quân và lập ra Mạc phủ ở Kamakura tỉnh Kanagawa ngày nay. Thời kỳ chính trị vũ gia bắt đầu. Mạc phủ là chính quyền quân sự mà trong đó tướng quân đứng đầu giới võ sĩ, đảm nhận chính sự. Thiên hoàng chỉ mang tính hình thức mà không có thực quyền. Tuy nhiên gia tộc Minamoto chỉ tồn tại được 3 đời. Sau Minamoto là gia tộc Hojo lên nắm quyền cho đến khi Thiên hoàng Go-Daigo lật đổ Mạc phủ, phục hồi nền chính trị Thiên hoàng vào năm 1333. Về mặt văn hoá, thời kỳ này sản sinh ra nhiều tác phẩm điêu khắc tả thực tượng Phật với vẻ võ sĩ, mạnh mẽ và cương nghị.

Q: Thời Muromachi như thế nào?

Thời Muromachi được chia ra làm hai: thời Nam Bắc triều và thời Chiến quốc. Thời Nam Bắc triều là thời kỳ tranh giành quyền lực giữa Thiên hoàng Go-Gaido và tướng quân Ashikaga Takauji. Thiên hoàng Go-Gaido là người lật đổ chính quyền Mạc phủ Kamakura và đưa chính quyền trở lại triều đình ở Kyoto năm 1333. Ashikaga Takauji là tướng quân lập ra Mạc phủ ở phía bắc Kyoto năm 1336 dưới triều Thiên hoàng Quang Minh. Thời Chiến quốc kéo dài khoảng 100 năm tính từ sau loạn Ứng Nhân năm 1467 đến khi Oda Nobunaga lật đổ Mạc phủ năm 1573. Thời Muromachi nhìn chung là thời kỳ của phát triển nông nghiệp, thương nghiệp và đô thị hoá. Về mặt văn hoá thời kỳ này sản sinh ra các loại hình nghệ thuật mới như tranh sơn dầu, kịch No, Kyogen (Cuồng ngôn), trà đạo, nghệ thuật cắm hoa.

Q: Thời Azuchi-Momoyama như thế nào?

Trong thời Chiến quốc Oda Nobunaga là người đánh bại tất cả các đối thủ nhưng chính Oda Nobunaga lại bị gia thần là Toyotomi Hideyoshi giết chết ngay trước khi đất nước sắp thống nhất. Người nối sự nghiệp sau đó không ai khác chính là Toyotomi Hideyoshi. Thời Azuchi-Momoyama là thời mà Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi nắm giữ quyền lực. Chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi là 30 năm tính từ năm 1568 (Có thuyết cho rằng năm 1573) nhưng thời kỳ này là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển nước Nhật phong kiến. Đáng chú ý nhất là chính sách kiểm địa và chính sách thu hồi vũ khí. Kiểm địa là chính sách kiểm tra diện tích và mức thu hoạch từ đất đai sau đó quyết định mức thuế và người chịu trách nhiệm nộp thuế. Chính sách thu hồi vũ khí là chính sách thu hồi tất cả các loại vũ khí trong dân chúng, cố định hoá thân phận của nông dân và đặt quyền thống trị vào tay tầng lớp võ sĩ.
Văn hoá thời kỳ này được gọi là Văn hoá Azuchi-Momoyama với sự yếu đi trong ảnh hưởng của Phật giáo thêm vào đó là vẻ tự do, tráng lệ. Phong cách kiến trúc Thành Bang với các Thiên Thủ Các cao và nhọn hay loại tranh trang trí tường lấp lánh vàng là những điển hình.

Q: Thời Edo như thế nào?

Thời Edo (Giang Tô) kéo dài 260 năm tính từ khi Tokugawa Ieyasu lật đổ gia đình Toyotomi và mở ra Mạc phủ ở Edo (Tokyo) năm 1603 và thống trị toàn quốc. Những người được tướng quân, người cao cấp nhất trong Mạc phủ giao cho trên 1 vạn thạch đất đai thì được gọi là đại danh, lãnh địa và cơ quan quản lý như thế được gọi là phiên. Mạc phủ thông qua các phiên để quản lý đất đai và dân chúng trên toàn quốc. Chế độ này gọi là chế độ Mạc phiên. Thời kỳ này thực thi mạnh chế độ phân chia giai cấp: sĩ nông công thương trong đó tầng lớp võ sĩ là cao nhất. Về đối ngoại: thực thi chính sách bế quan toả cảng, cấm đạo Thiên Chúa. Về mặt văn hoá, cuối thể kỷ 17, đầu thế kỷ 18 là giai đoạn khai hoa của kỷ nguyên văn hoá Nguyên lộc. Múa rối và ca vũ kỹ được lan rộng, Matsuo Basho làm bài cú (thơ ngắn), nghệ thuật vẽ tranh ukiyo-e mà sau này được phát huy bởi Utamaro, Hokusai, Hioshige.