Lưu học sinh VN tại Nhật Bản đón giao thừa thời Internet


Không giống như các Tết trước, năm nay lưu học sinh Việt Nam tại xứ sở mặt trời mọc có một cách đón giao thừa rất riêng: tụ tập tại một số nhà có nối ADSL vừa ăn uống, chúc mừng nhau, vừa xem cầu truyền hình qua Internet.


Do Tết nguyên đán năm nay đến sớm hơn so với mọi năm, phần lớn lưu học sinh tại Nhật Bản không thể thu xếp được chương trình học để về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, bạn bè. Một số vẫn còn bận vùi đầu vào với các kỳ thi học kỳ, chuẩn bị bảo vệ luận án tốt nghiệp… Tuy nhiên, không phải vì thế mà không khí đón Tết bớt đi phần đầm ấm, vui vẻ. Không khí đón Tết Giáp Thân thật sự bắt đầu từ khi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức buổi tiệc đón Tết cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản vào tối ngày 16 tháng 1 (tức 25 Tết âm lịch). Không chỉ đến tham gia cùng, đội văn nghệ của Hội TNSV Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) còn mang đến góp vui cho buổi tiệc rất nhiều tiết mục văn nghệ sôi nổi, được rất nhiều quan khách Nhật Bản khen ngợi. Khác với các năm trước, ngày 30 Tết năm nay lại rơi vào đúng giữa tuần do đó việc tổ chức đón Tết chung cho toàn thể cộng đồng lưu học sinh như Tết Nhâm Ngọ và Tết Quý Mùi không thực hiện được. Thay vào đó một buổi đón Tết sớm vào ngày ngày 26 Tết đã diễn ra tại khu ký túc xá sinh viên quốc tế Soshigaya với không khí đầm ấm của khoảng hơn 50 sinh viên tại khu vực Tokyo và các vùng lân cận. Thực đơn đầy đủ hết từ bánh chưng, bánh tét, giò lụa đến chả quế, và đặc biệt còn có cả món bún riêu cua được mọi người rất thích. Vào chiều 30 Tết, mọi người tụ tập lại thành nhóm tại các nhà có nối Internet băng thông rộng ADSL để cùng vừa chuẩn bị đón giao thừa vừa đón xem cầu truyền hình qua Internet. Mặc dù bận bịu với công việc sách vở, nghiên cứu nhưng hầu như mọi người đều về sớm hơn thường lệ. Mỗi người một tay, người đi mua hoa, người chạy đi tìm mua hương, người lại lo đi tìm chỗ để dặt bàn thờ chuẩn bị cho mâm cơm cúng Tết. Bánh chưng và giò lụa được đặt trước từ một số gia đình Việt Kiều đã được chuyển phát nhanh mang đến. Trong lúc chờ hương tàn, những chiếc máy tính với màn hình cỡ lớn được mang ra kết nối tới chương trình TV trực tuyến do Công ty đầu tư và phát triển công nghệ truyền hình thực hiện. Với đường truyền ADSL 26Mbps thì chất lượng hình ảnh và tiếng nói chẳng hề thua kém TV ở Việt Nam là bao. Đây rồi người dẫn chương trình Cầu truyền hình Diễm Quỳnh, chương trình Táo quân, rồi lại cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang kể chuyện chiến dịch Điện Biên Phủ nữa, tất cả như đang ngồi tại Việt Nam theo dõi vậy. Một số nhóm bạn bè ở xa không thể gặp nhau thì lại rủ nhau chat bằng Yahoo Messenger và đặt cho nó cái tên rất dễ thương “Giao thừa ngủ on-line”. Sắp đến giờ giao thừa, webcam được mang ra nối với máy tính để chuẩn bị chat và chúc Tết gia đình, một số khác lục đục chia tay nhau để về nhà gọi điện thoại. Giờ phút giao thừa đã đến, đúng lúc Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc thư chúc Tết đồng bào chiến sỹ cả nước và kiều bào nước ngoài, thì các máy điện thoại di động cũng đồng thời rung chuông liên tục. Một loạt các email vừa được nhận. Mở ra toàn là những lời chúc mừng từ bạn bè được viết bằng tiếng Việt không dấu: “CHUC MUNG NAM MOI”. Soạn nốt một số lời chúc Tết để email lại cho bạn bè xong, nhấc máy định gọi điện thoại về nhà chúc Tết nhưng sao mãi chẳng gọi được. Có lẽ BB Phone bị ngẽn mạch, chuyển sang Brastel cũng không được, rồi cả NTT Communications nữa. Sao năm nay nhiều người gọi về Việt Nam thế nhỉ. Mình tôi 2 máy điện thoại: một di động một để bàn gọi liên tục cả 3 dịch vụ trên nhưng cũng phải mất 50 phút sau (gần 1 giờ sáng giờ Việt Nam) mới gọi điện được về Việt Nam. Gọi điện xong nhìn đồng hồ cũng đã hơn 3 giờ sáng, tranh thủ ngủ nốt thời gian còn lại để mai còn bắt đầu một ngày làm việc mới từ 8h30 sáng, để lại đằng sau dư âm của một giao thừa phải xa nhà nữa. Trần Xuân Nam (Bài đã đăng trên VnExpress)