Ngân hàng Trung ương Nhật bản quyết định xóa bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ


Tại cuộc họp quyết định chính sách tiền tệ của Ủy ban Chính sách diễn ra vào ngày 9/3/2006 vừa qua, ngân hàng trung ương Nhật bản đã đưa ra quyết định xóa bỏ “Chính sách nới lỏng tiền tệ” (chính sách này kéo dài suốt từ tháng 3 năm 2001), và đưa vào thực thi cùng ngày hôm đó.


Ảnh: Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Toshihiko Fukui (福井俊彦) tại cuộc họp báo về vấn đề xóa bỏ Chính sách nới lỏng tiền tệ

Tuy nhiên, hiện tại ngân hàng Trung ương NB vẫn quyết định duy trì chính sách “lãi suất không”(zero rate policy). Xóa bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ đồng nghĩa với việc chấm dứt một chính sách tài chính nâng đỡ nền kinh tế bằng cách tăng số lượng đồng tiền giao dịch trên thị trường, và quay trở về với hình thức quản lý nguyên thủy là tăng, giảm lãi suất. Với chính sách tiền tệ này, Nhật bản đã tạo cho nền kinh tế của mình một bước chuyển biến có tính lịch sử.

Quyết định xóa bỏ chính sách này được đưa ra với tỉ lệ đa số tán thành 7-1. Nói về mô hình mới được đưa ra nhằm ổn định lợi nhuận và giá cả sau quyết định này, ngân hàng Trung ương Nhật bản đã đưa ra con số 0-2%, đây là tỉ số tăng của vật giá được đánh giá là ổn định tương đối lâu dài. Con số này đã chỉ ra một tỉ lệ tăng trưởng dương, cho thấy nguy cơ giảm phát sẽ không bị lặp lại. Mô hình chính sách tiền tệ mới này đã được thống nhất trong toàn cuộc họp.

Tại cuộc họp báo, Thống đốc ngân hàng Trung ương Nhật bản Toshihiko Fukui cho biết tỉ số giá cả tiêu dùng trong cả nước đã tăng liên tục trên 0% trong suốt 4 tháng nay. Ông khẳng định điều này đủ để đáp ứng điều kiện xóa bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ.

Hiện tại, ngân hàng Trung ương Nhật bản đang có chính sách nâng tổng số dư của tài khoản thanh toán cho các công ty tài chính mở tại ngân hàng này cao hơn khoản tiền mà họ yêu cầu từ 30 nghìn đến 35 nghìn tỉ yên. Số dư này trên thực tế đang bị cắt giảm xuống khoảng 6 nghìn tỉ yên do chính sách xóa bỏ nới lỏng tiền tệ. Như vậy, tính đến cuối năm tài chính nhu cầu về vốn sẽ được duy trì ở mức 30 nghìn tỉ yên.

Thống đốc ngân hàng Toshihiko Fukui cho rằng việc cắt giảm số dư của tài khoản thanh toán này vô hình chung lại quay trở về vấn đề “lãi suất không”. Như vậy thì dù muốn hay không, trong một thời gian ngắn, chính sách “lãi suất không” này vẫn tồn tại. Hơn nữa, để thực hiện cắt giảm cũng phải mất đến 3 tháng, nên hiện tại, ngân hàng vẫn quyết định không tăng lãi suất. Số tiền mua trái phiếu chính phủ hàng tháng vẫn giữ nguyên ở mức 1200 triệu yên, và chỉ tăng theo lãi suất dài hạn.

Các ủy viên chính sách tỏ rõ sự tin tưởng rằng chỉ số giá cả tăng từ 0~2% (thường giao động ở mức trên dưới 1%) so với năm ngoái sẽ là con số tăng ổn định tương đối lâu dài. Ông Toshihiko Fukui nhận định: Ngân hàng trung ương sẽ lấy con số này làm tiêu điểm trong thực thi chính sách tài chính, song đó chỉ là mục tiêu trước mắt, chứ không phải là mục tiêu phát triển lâu dài.

Nếu không tính đến thời điểm xóa bỏ “lãi suất không” từ tháng 8 năm 2000, thì việc chuyển đổi chính sách tài chính của Nhật bản lần này là sau 15 năm kể từ tháng 8 năm 1990.

Fuji (theo báo Yomiuri)