Ngày của biển 20-7 (Umi no hi)


Ở Nhật Bản, hàng năm ngày 20/7 là ngày lễ toàn quốc có tên là “Ngày của biển” (Umi no Hi), vậy xuất xứ ngày ấy có từ đâu? Ngày của biển liên quan đến con tàu Meiji-Maru, một con tàu buồm được đóng bằng sắt đầu tiên của Nhật Bản. Hiện nay con tàu Meiji-Maru trở thành một con tàu triển lãm nằm tại Trường Ðại học Hàng hải Tokyo. Bài sưu tầm và lược dịch sau đây cho biết lịch sử ngày lễ này.


1. Con tàu Meiji-Maru

Theo đơn đặt hàng của chính phủ Nhật Bản vào năm Minh Trị thứ 6 (1874) con tàu Meiji-Maru được đóng tại Anh Quốc, và đây là con tàu sắt đầu tiên của Nhật Bản. Con tàu Meiji-Maru là con tàu buồm tuần tra hải đăng (lighthouse patrol boat). Vào năm 1877, Nhật Hoàng Meiji đã đi trên con tàu này từ Aomori qua Hakodate tới Yokohama trong một chuyến du lịch hoàng gia qua toàn bộ vùng Tohoku. Ngày 20/7, ngày kỷ niệm của biển (Umi no Kinenbi 海の記念日) là ngày kỷ niệm việc Nhật Hoàng Minh Trị tới cảng Yokohama.

Vào năm 1898 con tàu này được chuyển cho Trường Hàng hải Tokyo (Tokyo Nautical School), tiền thân của Trường Ðại học Hàng hải Tokyo hiện nay (Tokyo University of Mercantile Marine) và từ đó con tàu này được dùng để huấn luyện và đào tạo sinh viên ngành hàng hải hơn 50 năm. Vào năm 1964, con tàu được chuyển đến Trường Hàng hải Tokyo hiện nay và được bảo quản thành con tàu kỷ niệm tượng trưng cho truyền thống đào tạo ngành hàng hải của Nhật Bản.

Con tàu Meiji-Maru được coi như là một công trình kỷ niệm ngành kỹ thuật đóng tàu Nhật Bản và vào tháng 5/1978, được công nhận là Tài sản Văn hóa của Nhật Bản và được bảo quản nguyên hình dáng yêu kiều của nó. Năm 1980, con tàu này được Cục Văn hóa, Bộ Giáo dục Nhật Bản kết hợp với Trường Ðại học Hàng hải Tokyo sửa sang và xây dựng lại trên nền móng chắc chắn như hiện nay. Công trình xây dựng và sửa chữa lại con tàu này kéo dài 8 năm và hoàn thành vào ngày 29/1/1988.

Vào năm 1996, “ngày kỷ niệm của biển” 20/7 (Umi no Kinenbi) là ngày kỷ niệm việc Nhật Hoàng Minh Trị tới cảng Yokohama chính thức trở thành ngày lễ quốc dân và lấy tên là “Ngày của biển” (Umi no Hi).

Các kích thước chính của con tàu Meiji-Maru:
Chạy buồm: 3 cột buồm, Furu-Rigudo, Shippu kei
Số tấn trọng tải: 1.037,2 tấn
Chiều dài tàu: 73,8 mét

2. Lịch sử thành lập ngày lễ quốc gia “Ngày của biển” (Umi no Hi)

Ðể chính thức quyết định lấy ngày 20/7 làm ngày lễ toàn quốc lấy tên “ngày của biển”, ở Nhật Bản đã trải qua một số những sự kiện sau.

2.1. Quyết định ngày kỷ niệm của biển

Ngày 5/6/1941: Tại Hội nghị của Hạ Nghị Viện, quyết định lấy ngày 20/7 làm ngày kỉ niệm của biển (Umi no Kinenbi).

Ngày 20/7/1941: Kỷ niệm “ngày kỷ niệm của biển” lần thứ nhất. Ngày 20/7 năm Minh Trị thứ 9 (1877) Nhật Hoàng Minh Trị (Meiji) trở về nhà an toàn sau chuyến tham quan trên con tàu Meiji-Maru, một con tàu tuần tra hải đăng, từ Aomori qua Hakodate tới Yokohama.

2.2. Vận động thành lập ngày lễ quốc dân “Ngày của biển” (Umi no Hi)

Ngày 20/7/1959: Kỷ niệm “ngày kỷ niệm của biển” lần thứ 19. Theo năm cơ quan đoàn thể hàng hải: Hội Xúc tiến Hàng hải Nhật Bản (Nihon Kaiji Shinkou Kai), Hiệp hội Chủ tàu Nhật Bản (Nihon Senshyu Kyokai), Hội Công nghiệp Ðóng tàu Nhật Bản (Nihon Zouzen Kogyo Kai), Hội Thủy sản Ðại Nhật Bản (Dai-Nihon Suisan Kai) và Tổ chức Thuyền viên Nhật Bản (Zen-Nihon Kaiin Kumiai) đã thành lập Hiệp hội Ngày của Biển (Umi no Hi Kyokai, Hội trưởng là Nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Nhật Bản Maeda Tamon). Từ năm 1959 tới năm 1966 bắt đầu vận động cho việc thành lập ngày lễ quốc gia “ngày của biển” lần thứ nhất.

Ngày 5/12/1963: Hai tổ chức Hội Xúc tiến Hàng hải Nhật Bản (Nihon Kaiji Shinko Kai) và Hiệp hội Lao động Trên biển (Kaijyo Roudou Kyokai) được giải thể theo nhu cầu phát triển và hợp nhất lại thành Hiệp hội Thông báo Hàng hải Nhật Bản (Nihon Kaiji Kouhou Kyokai).

Ngày 6/10/1981: Hội Phu nhân Thuyền viên Toàn quốc (Zenkoku Kaiyu Fujin Kai, hội trưởng là bà Nakaji Tomoko) đã gửi đơn có 12 vạn chữ ký tới Nội các chính phủ và tới Bộ Trưởng Bộ Giao thông Nhật Bản và các cơ quan liên quan xin ngày lễ toàn quốc, và phong trào vận động cho ngày lễ quốc dân lần thứ 2 bắt đầu (trong các năm từ năm 1981 tới năm 1983).

Ngày 22/10/1981: Tại hội nghị Nội các chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Niwa Kyoshiro thông báo ngày lấy ngày 20/7 làm ngày lễ toàn quốc với tên “Ngày kỷ niệm của biển” (Umi no Kinenbi).

Tháng 11/1981: Mười cơ quan đoàn thể ngành hàng hải (5 cơ quan trước đây và năm cơ quan gồm Hiệp hội Bảo an Trên biển = Kaijyo Hoan Kyokai, Hiệp hội Cảng vịnh Nhật Bản = Nihon Kouwan Kyokai, Hiệp hội Thuyền trưởng Nhật Bản = Nihon Senchyo Kyokai, Hội Phu nhân Thuyền viên Toàn quốc = Zenkoku Kaiyu Fujin Kai và Hội Xúc tiến Tàu biển Nhật Bản = Nihon Senpaku Shinkou Kai) đã nộp đơn lên chính phủ yêu cầu thống nhất lấy ngày lễ toàn quốc.

Ngày 20/7/1983: Thành lập “tuần lễ của biển” (từ 20/7 tới 31/7), và bắt đầu các hoạt động thông báo rộng rãi trong quần chúng.

Tháng 7/1986: Khai trương ngày hội của biển lần thứ nhất (tại thành phố Kita-Kyushyu). Và sau đó, hàng năm mở hội tại các thành phố cảng chủ yếu ở từng vùng.

Ngày 20/7/1991: Vào ngày kỷ niệm của biển lần thứ 51, Hội trưởng Nemoto Nirou của Hiệp hội Chủ tàu Nhật Bản (Nihon Senshyu Kyokai) chủ trương vận động lấy ngày 20/7 làm ngày lễ toàn quốc ngày của biển (Umi no Hi), và cuộc vận động chọn ngày 20/7 làm ngày lễ toàn quốc lần thứ 3 bắt đầu.

Ngày 14/11/1991: Bảy cơ quan đoàn thể ngành hàng hải thay đổi nhân sự, bắt đầu nhóm họp Hội nghị đề xướng thành lập ngày lễ toàn quốc “ngày của biển” (Hội trưởng là ông Nagai Norihiko, hội trưởng Hiệp hội Thông báo Hàng hải Nhật Bản).

Tháng 2 tới tháng 6 năm 1992: Hội nghị Ðề xướng Thành lập ngày lễ toàn quốc “ngày của biển” đệ trình đơn đề nghị tới Nội các chính phủ và Bộ Trưởng Bộ Giao thông cùng các cơ quan hữu quan.

Ngày 3/6/1992: Liên minh Xúc tiến Hàng hải (Kaiji Shinkou Renmei, Hội trưởng là ông Harada Ken, Thượng nghị viên) quyết định đề xướng lấy ngày “ngày của biển” làm ngày lễ toàn quốc thông qua cuộc họp lâm thời.

Ngày 12/6/1992: Liên minh Xúc tiến Hàng hải thành lập hội các hội viên đề xướng. Tính cực phát động phong trào vận động lấy ngày 20/7 là ngày lễ toàn quốc.

Ngày 18/3/1993: Ðổi tên Hội nghị Ðề xướng lấy ngày nghỉ toàn quốc “ngày của biển” thành Hội nghị Quốc dân Ðề xướng Quyết định ngày của biển thành ngày nghỉ toàn quốc (Hội trưởng là ông Yamashita Isamu, hội trưởng Hội Ðường sắt Hành khách Ðông Nhật Bản). Thành lập Hội các hội viên tham dự hội nghị và cục sự vụ. Phát động phong trào vận động cho ngày nghỉ toàn quốc có tổ chức. Sau ngày 4/5/1993, tiến hành phúc trình lần nữa lên Nội các chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT và các cơ quan hữu quan.

Ngày 18/5/1994: Ông Inaba Kousaku, hội trưởng Hội nghị Quốc dân Ðề xướng Quyết định ngày nghỉ toàn quốc “ngày của biển” nhậm chức Giám đốc Công ty Công nghiệp nặng IHI (Ishikawashima-Harima Heavy Industries Co.).

Ngày 15/6/1994: Hội nghị Quốc dân Ðề xướng Quyết định ngày nghỉ toàn quốc “ngày của biển” ký tên và trình đơn tới ông Hata Tsutomu, Thủ tướng Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Tổng lý Nội các). Tiến hành lễ mừng lượt người thứ 1.000 vạn người ký tên đồng ý chon ngày nghỉ toàn quốc “ngày của biển”.

Ngày 14/9/1994: Hội nghị Quốc dân Ðề xướng Quyết định ngày nghỉ toàn quốc “ngày của biển” trình đơn lên Thủ tướng Murayama Tomiishi.

Ngày 12/6/1994: Theo hội nghị của 2.281 các đoàn thể (70% các đoàn thể chính quyền địa phương trong cả nước) bao gồm toàn thể 47 Ðạo, Phủ, Tỉnh trong cả nước, tán thành việc lấy ngày của biển làm ngày lễ toàn quốc.

2.3. Quyết định thành lập ngày nghỉ toàn quốc “Ngày của biển” (Umi no Hi)

Ngày 6/12/1994: Trong Hội viên Nội các Thượng Nghị Viện, thực hiện việc thảo luật có liên quan tới việc sửa đổi pháp luật một phần quy định về việc lấy ngày lễ toàn quốc là ngày của biển, và có khả năng quyết định/thông qua luật dự thảo này.

Ngày 24/2/1995: Quyết định thông qua luật sửa đổi về ngày nghỉ toàn quốc trong Nội các Thượng Nghị Viện.

Ngày 27/2/1995: Ðồng quyết định luật sửa đổi tại Hội nghị của Thượng Nghị Viện (Chung Nghị Viện).

Ngày 28/2/1995: Ðồng quyết định luật sửa đổi tại Hội nghị của Tham Nghị Viện.

Ngày 8/3/1995: Công bố luật sửa đỗi (Ðiều 22 Pháp luật) liên quan đến việc sửa đổi Phát luật ngày nghỉ quốc dân.

Ngày 12/6/1995: Hội Hội viên Thực hành mừng ngày nghỉ toàn quốc “ngày của biển”. Tiến hành các hoạt động thông báo rộng rãi và đề xuất tiến hành nghỉ ngày của biển.

Ngày 29/6/1995: Giải tán Hội nghị Quốc dân Ðề xướng Quyết định ngày nghỉ quốc dân “ngày của biển”.

Ngày 20/7/1995: Lần thứ 55 “ngày kỷ niệm của biển”.

Ngày 1/1/1996: Thi hành luật sửa đổi sửa một phần liên quan tới ngày lễ toàn quốc (Ðiều 22 Pháp luật năm 1995).

Ngày 20/7/1996: Sau khi quyết định, dựa trên sự tham dự của Hoàng Tử cùng Phu Nhân, tiến hành khai trương lễ kỷ niệm việc quyết định lấy ngày “ngày của biển” làm ngày nghỉ toàn quốc theo bảo trợ của Hội Hội viên thi hành, chúc mừng ngày lễ toàn quốc “ngày của biển”.

————————–

Tài liệu tham khảo

1) Trang web của Trường Ðại học Hàng hải Tokyo (Tokyo University of Mercantile Marine) , vào ngày 27/9/2000.

2) Trang web của Hiệp hội Thông tin Kỹ thuật Hàng hải Nhật Bản (Nihon Kaigi Kohou Kyokai) , vào ngày 27/9/2000.

3) Trang web của Đại học Hàng hải Tokyo , vào ngày 17/7/2003.

Sưu tầm và lược dịch: Kamome (NĐH)
(Cựu s/v Trường Ðại học Hàng hải Tokyo)
(Nháp xong tháng 9/2000, sửa và bổ sung 17/7/2003).