Người Nhật nghe “Diễm xưa” trong đêm giao thừa


Một hiện tượng mới lạ trong đêm giao thừa ở Nhật năm nay: tình khúc Diễm xưa của Trịnh Công Sơn được trình diễn trong chương trình truyền hình thi hát giao lưu nam nữ Kohaku Utagassen của Đài NHK. Trong hơn nửa thế kỷ nay, Kohaku Utagassen là chương trình TV sôi nổi nhất, lôi cuốn sự quan tâm của đại đa số người dân xứ hoa anh đào trong đêm giao thừa. Ca khúc nước ngoài được ca sĩ chọn để hát trong chương trình này là rất hiếm.


Sự kiện Diễm xưa là kết quả của hoạt động giao lưu văn hóa Việt – Nhật khá nhộn nhịp trong mấy năm qua và phản ảnh quan tâm ngày càng cao của người Nhật đối với đất nước và con người VN. Phim ảnh VN được giới thiệu nhiều hơn trên TV. Những nhà hàng VN mọc lên khắp nơi ở Tokyo và lúc nào cũng đông khách; món bánh cuốn khá phổ biến tại các gian hàng bán thức ăn ở các siêu thị ở Tokyo. Các cửa tiệm bán áo dài và hàng tạp hóa VN đang lôi cuốn giới trẻ Nhật Bản.

Thông thường giao lưu văn hóa đại chúng thật sự triển khai sau khi hai nước đã có một giai đoạn phát triển quan hệ kinh tế khá dài như kinh nghiệm giữa Nhật và Thái Lan đã cho thấy. Kênh quan trọng nhất của quan hệ kinh tế ngày nay giữa hai nước là đầu tư trực tiếp (FDI) vì kênh này ảnh hưởng mạnh đến mọi mặt của hoạt động kinh tế như tích lũy tư bản, quản lý lao động, chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý, kinh doanh…, qua đó tạo sự giao lưu nhân sự mật thiết từ cấp lao động ở nhà máy đến các cấp quản lý, điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp. Chính sự giao lưu nhân sự sâu rộng này qua một thời gian tương đối dài sẽ làm phát triển giao lưu văn hóa đại chúng.

Quan hệ Việt-Nhật đang bỏ qua giai đoạn FDI và chuyển thẳng sang giai đoạn giao lưu văn hóa đại chúng. Điều này phản ảnh sự gần gũi về văn hóa, địa lý giữa hai nước và tính hấp dẫn của đất nước và con người VN đối với Nhật. Nhưng hiện tượng này cũng cho thấy rằng VN chưa tận dụng được công nghệ và tri thức kinh doanh của Nhật để đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa và hội nhập có hiệu quả vào thị trường thế giới. FDI của Nhật tại VN quá ít và hầu như giảm liên tục từ giữa thập niên 1990. Lý do là chính sách phát triển công nghiệp của VN không rõ ràng và hay thay đổi, và hành lang pháp lý cải thiện quá chậm so với các nước chung quanh.

Tuy nhiên Nhật vẫn còn đánh giá cao tiềm năng VN và còn kiên trì thuyết phục VN cải thiện môi trường đầu tư. Cuộc điều tra hằng năm của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho thấy VN là một trong năm nước mà giới kinh doanh Nhật sẽ chú trọng nghiên cứu đầu tư trong 4-5 năm tới. Điều tra mới đây của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy xí nghiệp Nhật xem VN (cùng với Trung Quốc và Thái Lan) sẽ là một trong ba cơ sở sản xuất hàng công nghiệp quan trọng tại châu Á trong tương lai.

Sắc màu văn hoá Nhật

Tuy nhiên để tiềm năng này trở thành hiện thực và triển khai một cách bền vững, phía VN cần nhiều nỗ lực. Đặc biệt phải xem việc thu hút FDI từ Nhật là một chiến lược. Chất lượng hàng công nghiệp của Nhật đã được chứng minh qua những tên tuổi của Toyota, Sony, Honda, Matsushita, Sanyo, Sharp, Canon… Chiến lược thu hút FDI từ Nhật do đó phù hợp với nhu cầu trước mắt của VN là đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập có hiệu quả vào thị trường thế giới.

Để triển khai chiến lược thu hút FDI từ Nhật, ít nhất VN phải có các nỗ lực sau: Thứ nhất, từ Tokyo, tôi nghĩ rằng người Nhật đang mong đợi từ Việt Nam những việc là cụ thể nhằm thi hành chương trình hành động 44 điểm của Sáng kiến chung Việt – Nhật mà hai thủ tướng đã thông qua tại Tokyo giữa tháng mười hai năm qua. Chương trình 44 điểm này nhằm cải thiện môi trường đầu tư để tăng FDI từ Nhật và qua đó tăng sức cạnh tranh của VN.

Thật ra, vào năm 1999 đã ra đời một chương trình tương tự là Nhóm làm việc chung (Working Group) Việt – Nhật để tăng FDI và mậu dịch giữa hai nước nhưng hầu như không đi đến kết quả cụ thể đáng kể nào. Do đó tháng 4-2003 mới ra đời Sáng kiến chung Việt – Nhật. Lần này nếu ta không thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết vừa qua sẽ khó có một cơ hội khác.

Thứ hai, các doanh nghiệp VN, kể cả các doanh nghiệp nhà nước, cần theo dõi nhiều hơn các cơ hội phát sinh từ Nhật Bản để không bỏ mất thời cơ. Kinh tế Nhật chuyển dịch nhanh, ngày càng nhiều các ngành công nghiệp có khuynh hướng ra nước ngoài nên các cơ hội đầu tư với nhiều hình thái phong phú đang triển khai mạnh mẽ. Mặt khác chất xám của người Nhật sắp đến tuổi nghỉ hưu đang chảy ra các nước châu Á. Doanh nghiệp VN cần đầu tư thích đáng trong việc thu thập thông tin và tiếp thị tại thị trường Nhật.

Thứ ba, VN cần xây dựng một đội ngũ nguồn nhân lực có khả năng làm việc có hiệu quả với Nhật. Quan hệ kinh tế hai nước chưa phát triển nhiều nhưng đã thấy thiếu nhân tài ở lĩnh vực nầy. Chẳng hạn người có khả năng thông dịch giỏi rất ít mặc dù số người biết tiếng Nhật ở VN tăng đáng kể. Tôi có dự nhiều hội nghị cấp cao giữa hai nước, đã nhiều lần chứng kiến khả năng rất hạn chế của thông dịch viên người VN làm giảm hiệu quả của các buổi thảo luận quan trọng, chưa nói đến chuyện gây ra hiểu lầm đáng tiếc giữa hai nước.

Thời cơ đã tới. Cần có chiến lược đúng đắn để bắt thời cơ.

Hi vọng trong tương lai không xa, người Nhật không chỉ biết Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà còn quen thuộc với nhiều mặt hàng công nghiệp chế tạo tại VN.

Tokyo, ngày đầu năm 2004

TRẦN VĂN THỌ (Giáo sư kinh tế, ĐH Waseda, Tokyo)
Source: www.tuoitre.com.vn