Sinh viên Nhật Bản và nỗi lo việc làm


Một thực trạng đáng buồn hiện nay là sinh viên tốt nghiệp ra trường khó kiếm việc làm, thậm chí là làm một việc trái nghề. Ngay tại đất nước có nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới như Nhật Bản cũng không tránh khỏi những điều bất cập này…

Noriko Miyazaki là một SV trẻ (23 tuổi) vừa tốt nghiệp một trường đh tại Tokyo, đang làm việc trong một hiệu photo. Cùng cảnh ngộ như Noriko có hàng ngàn SV Nhật khác ra trường nhưng không thể kiếm nổi việc làm. Noriko cho biết: “Chỉ một năm sau khi ra trường, tôi đã nộp đơn xin việc ở 60 công ty. Nhưng dường như vận may vẫn chưa mỉm cười với tôi.”

Cũng như các nước khác trên thế giới, giới trẻ Nhật Bản có tính tự lập cao. Ngay khi bước vào ngưỡng cửa đh, phần lớn SV đã tự làm thêm để kiếm sống, nuôi mình ăn học. Ra trường, họ cũng tự lập bằng việc tự mình đi xin việc. Nhưng, điều này dường như ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với SV Nhật Bản, khi mà nền kinh tế nước này đang trong thời kỳ ảm đạm, kéo theo đó là tỷ lệ thất nghiệp trong nước tăng cao (hơn 5%).

Thị trường lao động Nhật được xem là có tỷ lệ lao động có học thức, tay nghề cao, nhưng những đòi hỏi của các công ty tuyển dụng cũng hết sức khắt khe. Thường SV vừa tốt nghiệp mới chỉ lĩnh hội được một phần kiến thức ở nhà trường, trong khi đó yêu cầu công việc đòi hỏi ở họ cao hơn rất nhiều. Điều này lý giải tại sao có nhiều công ty đăng thông báo tuyển dụng lao động, nhưng SV Nhật ra trường vẫn thất nghiệp: Đơn giản vì họ thiếu kinh nghiệm thực tế. Các công ty luôn yêu cầu từ 1 – 2 năm kinh nghiệm, có ý chí tiến thủ, yếu tố kỷ luật và tính trách nhiệm với công việc cũng đòi hỏi khá cao…

Cô Miyazaki, sau nhiều năm khổ công luyện thi và phấn đấu để được vào đh, và đã đậu vào khoa “Quản trị kinh doanh” của một trường đh danh tiếng tại Tokyo. Tuy nhiên, cô đã không theo học, vì theo như cách lý giải của cô: “Tôi ghét các kỳ thi và sợ phải bơ vơ không biết sẽ xin vào đâu khi nhận tấm bằng đh…”. Cô đã quyết định chuyển sang một trường dạy nghề với hy vọng sẽ tìm được việc dễ dàng hơn khi ra trường.

Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây trong giới SV Nhật Bản, thì số người trả lời cho câu hỏi sau khi ra trường sẽ xin việc ở đâu đều bị bỏ trống. Nghĩa là họ đã mất tự tin khi đi tìm việc làm. Một quan chức làm việc tại Bộ Lao động Nhật cho biết: “Hiện còn hơn 4% SV tốt nghiệp đh vẫn chưa có việc làm hoặc làm những công việc không liên quan đến chuyên môn đã đào tạo. Đó là chưa kể số SV ra trường có việc làm nhưng vừa làm vừa nghỉ, làm thời vụ. Điều bất cập là trong đào tạo vẫn chưa chú trọng nhiều đến việc thực hành, khiến SV khi ra trường còn lúng túng trong khi giao việc…”

Theo các nhà tuyển dụng thì : “Điểm thiếu lớn nhất của SV khi ra trường là chưa định hình được những việc mình phải làm. Ngay cả khi trả lời phỏng vấn xin việc họ cũng không hiểu rõ công việc mà họ có ý định xin vào làm. Vì vậy, thiện cảm ban đầu của nhà tuyển dụng đã bị đánh mất khi phỏng vấn SV, và hậu quả là họ không được nhận vào làm…” Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng dẫn đến tỷ lệ SV ra trường thất nghiệp cao là xuất phát từ tư tưởng “chọn việc”, “nhảy việc” khi đi xin việc. Nhiều trường hợp đã được nhận vào làm nhưng khi thấy nơi khác làm việc nhẹ hơn và trả lương cao hơn nên họ bỏ việc cũ trong khi việc mới lại chưa tìm được.

Những khó khăn của nền kinh tế thế giới, thời kỳ ảm đạm của nền kinh tế Nhật Bản khiến nhiều SV chưa thể tìm được việc làm ngay khi ra trường. Dư luận Nhật lại đặt thêm câu hỏi: Liệu tấm bằng đh đã gây khó khăn cho SV Nhật khi đi tìm việc?

Theo báo Giáo dục và Thời đại