Tết Trung Thu xưa và nay


Những ngày này, khắp nơi trên đất nước Việt Nam đã rực rỡ sắc màu của đèn lồng, đèn ông sao, của các cỗ bánh Trung Thu và đã rộn rã tiếng trống cắc tùng tùng, tiếng thanh la xập xèng của các đội múa lân. Ai trong số thành viên VYSA chúng ta cũng đã từng trải qua những giờ phút ngây ngất trong sắc màu ấy, âm thanh ấy. Tết Trung Thu, từ bao giờ đã trở thành cái Tết của trẻ em. Trong cái không khí Trung Thu “ảo” trên VYSA lần này, mời các bạn cùng sống lại những giây phút tuổi thơ, cùng đi tìm hiểu sự tích và đôi nét về Tết Trung Thu xưa và nay, Trung Thu ở các nước quanh ta.


Sự tích Tết Trung Thu

Tương truyền, tục vui Tết Trung-Thu đã có từ thời Đường Minh Hoàng bên Trung-Hoa, vào đầu thế kỷ thứ tám (713-755). Sách xưa chép rằng, nhân một đêm rằm tháng tám, khi cùng các quan ngắm trăng, vua Đường ao-ước được lên thăm cung trăng một lần cho biết. Pháp-sư Diệu Pháp Thiên (có sách chép là Lã Công Viên) tâu xin làm phép đưa vua lên cung trăng. Lên tới cung trăng, Minh Hoàng được các vị tiên tiếp rước, bày tiệc đãi đằng và cho hàng trăm tiên nữ xinh tươi mặc áo lụa mỏng nhiều màu sắc rực rỡ, tay cầm tấm lụa trắng tung múa trên sân, vừa múa vừa hát, gọi là khúc Nghê-Thường vũ y. Vua Đường thích quá; nhờ có khiếu thẩm âm nên vừa trầm trồ khen ngợi vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ trình diễn. Cuối năm đó, quan Tiết Độ Sứ cai trị xứ Tây Lương mang về triều tiến dâng một đoàn vũ nữ với điệu múa Bà-la-môn. Vua thấy điệu múa có nhiều chỗ giống Nghê-Thường vũ y, liền chỉnh đốn hai bài hát và hai điệu làm thành Nghê-Thường vũ y khúc. Về sau các quan cũng bắt chước vua mang điệu múa hát về các phiên trấn xa xôi nơi họ cai trị rồi dần dần phổ biến khắp dân gian. Tục ngắm trăng, xem ca múa sau biến thành thú vui chơi đêm rằm Trung Thu.

Trung Thu xưa và nay ở Việt Nam

Tết Trung Thu lan rộng sang các nước láng giềng và thuộc địa của Trung Hoa. Sách sử Việt không nói rõ dân ta bắt đầu chơi Tết Trung Thu từ bao giờ, chỉ biết hàng mấy trăm năm trước, tổ tiên ta đã theo tục này, và ở Việt Nam, Tết Trung Thu hầu như là dịp vui chơi dành cho trẻ em. Gần tới ngày rằm tháng tám âm lịch, chợ búa bắt đầu có màu sắc Trung Thu. Lồng đèn, bánh nướng, bánh dẻo, đầu lân, mặt ông địa,.. đã được bày bán trong các cửa hiệu rực rỡ ánh đèn. Người mua lẫn người đi xem đông chen như hội..Cũng có nhiều gia đình, xóm ấp tự làm lấy đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, mặt ông địa,… cho con cháu trong nhà, trong xóm. Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.

Vào đêm 14 và đêm rằm, khắp chốn thành thị thôn quê đều có múa sư tử hay múa lân rất náo nhiệt. Đám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân. Tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân biểu diễn leo lên lấy bằng cái thang chỉ là một cây tre có các con sỏ làm thành bậc.

Ngày nay, cách thức ăn Tết Trung Thu ở Việt Nam đã có nhiều nét “hiện đại” hơn. Tất cả các thứ đồ chơi, cỗ bánh, đầu lân,… đều được làm sẵn với quy mô “công nghiệp” và tung ra thị truờng từ rất sớm. Thậm chí, Trung Thu còn là cơ hội kinh doanh béo bở của nhiều doanh nghiệp, cá nhân. Các nhóm múa lân của cả người lớn và trẻ em nhiều khi không còn nhằm mục đích mua vui cho trẻ nữa mà đã nhắm đến cái đích “làm tiền”. Vì vậy họ tranh thủ múa từ cả tuần trước đêm rằm. Dù sao, ăn Tết Trung Thu vẫn là một truyền thống đẹp, một dịp để xã hội dành sự quan tâm đặc biệt cho tuổi thơ.

Trung Thu ở một số nước châu Á
Trung Quốc

Rằm tháng tám hay rằm Trung thu là một trong những lễ hội được tổ chức lớn nhất ở Trung Quốc – được tổ chức vào ngày 15-8 âm lịch. Người xưa cho rằng đó là ngày mà mặt trăng đạt tới độ sáng nhất và tròn nhất.

Rằm tháng tám hay được gọi là lễ hội của phụ nữ. Mặt trăng tượng trưng cho vẻ đẹp và sự duyên dáng. Trong khi người phương Tây thờ Mặt trời biểu trưng cho sức mạnh thì người phương Đông lại ngưỡng mộ mặt trăng. Mặt trăng tượng trưng cho đức hạnh của người phụ nữ và đồng thời còn là một người bạn đáng tin cậy. Người Trung Quốc thường đặt tên cho con gái là Nguyệt với mong ước chúng sẽ đáng yêu và xinh đẹp như trăng vậy.

Ở Trung Quốc có rất nhiều truyền thuyết về chị Hằng. Nếu nhìn lên mặt trăng đúng ngày rằm Trung thu trẻ con sẽ nhìn thấy được chị Hằng, lúc đó nếu em nào có điều ước với chị Hằng trên cung trăng thì sẽ được toại nguyện.

Người Trung Hoa tổ chức lễ mừng trăng vào đêm rằm tháng 8. Đêm ấy, họ bầy tiệc cũng ông bà, cha mẹ và quây quần ăn bánh Trung thu. Sau đó, trẻ em và người lớn dự những cuộc vui chơi như múa lân, rước đèn cá chép hay đèn kéo quân. Tương truyền, đèn cá chép do ông Bao Công nghĩ ra để trừ yêu quái do cá chép biến thành, thường hiện ra vào các đêm ng. Mặt trăng cũng là chủ đề cho những bài thơ, đêm đó cũng dành cho những hẹn hò đôi lứa, là lúc mà bạn hữu gặp nhau. Ngày rằm tháng tám mang một ý nghĩa thật đặc biệt cho tất cả những ai tin vào sức mạnh siêu nhiên của Mặt trăng.

Nhật Bản

Mỗi năm nước Nhật có hai hội thưởng trăng (theo Âm lịch). Hội đầu là ZYUYOGA (thay đổi hàng năm, năm 2003 vào ngày 20/9), gắn với phong tục cổ truyền “Otsuki-mi” (có nghĩa là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu); kế đến là hội ZYUSANYA nhằm ngày 13 tháng 10. Theo tục lệ, hễ ai đã dự hội trăng đầu thì cũng phải dự hội thưởng trăng sau, nếu không sẽ gặp xui xẻo. Trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trăng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các em trai. Truyền thuyết cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ SAMOURAI vì nó dám lội ngược dòng thác nước. Theo truyền thống, để chuẩn bị cho đêm ZYUYOGA, mọi gia đình đều dùng cỏ bông bạc để cắm thay hoa trong nhà. Mâm cỗ trông trăng (gồm: Bánh nhân táo, dưa hấu, hạt dẻ và các loại hoa quả khác) được bày trên một bệ đứng hoặc bàn, đặt ở ngoài hiên nhà hoặc gần cửa sổ. Người NB cho rằng có thỏ sinh sống trên mặt trăng, vì vậy khi ngắm trăng thường tưởng tượng như đang thấy hình một chú thỏ đang ăn bánh bao.

Campuchia

Lễ mừng Trung thu của người dân Campuchia không diễn ra vào dịp trung thu tháng 8 mà chậm lại đến tết Hạ Nguyên Âm lịch. Họ vẫn giữ lễ mừng trăng, lễ đó gọi là “OK OM POK” hay “pithi sampes prak khe”. Buổi lễ được tổ chức vào ban đêm, với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, các loại khoai, mía… Họ cũng tổ chức các cuộc vui như hát tuồng, thả đèn giấy và thả thuyền trên những con sông.

Hàn Quốc

Chusok hay còn gọi là lễ tạ ơn được tổ chức vào ngày rằm tháng tám là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Lễ hội diễn ra suốt vụ mùa, vì thế đây là dịp để người dân lễ tạ tổ tiên đã mang lại cho họ lúa gạo và quả ngọt.
Lễ hội được tổ chức từ đêm trước đêm rằm và chỉ kết thúc sau ngày 15/8 âm lịch. Trong dịp này, người Hàn Quốc luôn dành 3 ngày nghỉ để quây quần bên gia đình và bè bạn. Mọi người cùng nhau thưởng thức mòn bánh “Songphyun”. Thứ bánh đặc biệt này được làm từ gạo, đậu xanh, vừng và hạt dẻ. Sau đó, cả gia đình đi thăm mồ mả, tổ tiên để bày tỏ lòng kính trọng, họ cúng gạo và hoa quả. Buổi tối, trẻ em mặ hanbok “một loại váy cổ truyền Hàn Quốc) mà chúng rất yêu thích, cùng nhày múa vòng tròng dưới ánh trăng. Cũng như ngày lễ tạ ơn ở Mỹ, Chusok là dịp để gia đình cùng tổ chức tạ ơn chúa trời.

Nguồn tham khảo:
www.public.asu.edu/
www.tourism.hochiminhcity.gov.vn/
www.hue.vnn.vn/
www.quehuong.org.vn/