Thăm các khu thương mại ở Tokyo


Thử tưởng tượng mình đột nhiên rơi vào giữa Tokyo – thành phố đắt đỏ nhất thế giới, thì biết ăn ra sao, ở ra sao để có thể tồn tại, sinh sống và học tập được… Nhưng bạn chớ lo, vì ở đấy cũng có dăm bảy loại giá và loại chợ thích hợp với nhiều loại túi tiền, kể cả túi tiền còn “hẻo” như của người Việt xa xứ.


Các siêu thị

Người Nhật chia các khu buôn bán ở Tokyo ra nhiều loại. Xịn nhất và hàng hoá cũng đắt nhất thế giới là ở khu Ginza, giữa trung tâm thành phố, gần khu vực Hoàng Cung và nhà ga Tokyo cổ kính. Dường như các công ty nổi tiếng của Nhật như Sony, Sanyo đều lập trụ sở chính với những toà nhà chọc trời xây ở hai bên phố. Chỉ những nhà tài phiệt hoặc quý tộc lâu đời mới dám ở khu này vì giá nhà đất cũng… chọc trời luôn. Ban đêm, nơi đây thật đẹp với đủ loại ánh đèn neon rực rỡ viền quanh các góc cạnh cửa hàng siêu thị. Hàng hoá ở đây từ đồ trang sức đến thực phẩm đều là hàng hiệu nổi tiếng thế giới. Ginza dành cho giới thượng lưu, nhưng không tấp nập.

Khu thương mại sôi động nhất ở Tokyo chính là Shinjuku, nhiều kiến trúc mới, hiện đại. Cả ngày lẫn đêm, dòng người đi lại mua bán tấp nập. Nhiều siêu thị khổng lồ trưng bày các sản phẩm có model mới nhất thế giới: Máy tính, máy in, máy ảnh, tivi siêu phẳng… Nhiều cửa hàng hạ giá, nhất là những sản phẩm đã ra đời được vài tháng, mà ở Nhật thì cái vòng quay mẫu mã mới liên tục thay đổi, gấp gáp nhất thế giới đã chi phối mạnh đến giá cả.

Người Việt Nam ở Tokyo hầu như ai cũng biết đến khu Akihabara được mệnh danh là “thành phố điện tử” – nơi tập trung nhiều nhất các siêu thị điện tử, dọc hai bên vỉa hè cũng bày la liệt hàng. Ơ đây có hệ thống cửa hàng có tên là Laox dành riêng cho người nước ngoài. Nhiều người Việt mua nồi cơm điện hay máy tính xách tay ở đây, giá được giảm nếu xuất trình hộ chiếu. Nước Nhật dùng điện 110V, nhưng ở đây có nhiều đồ điện 220V sản xuất riêng để xuất khẩu.

Một loạt hệ thống siêu thị mini rải đều khắp các phố và hang cùng ngõ hẻm. Nhiều cửa hàng phục vụ 24/24 tiếng giá đắt hơn bình thường chút ít. Không biết có phải do cạnh tranh không mà nhiều cửa hàng còn trưng bày cả những tạp chí có hình các cô gái trang phục “mát mẻ” ngay lối vào cho khách xem miễn phí như một chiêu khuyến mãi. Chính những siêu thị này có giá bình dân, phục vụ số đông người Nhật. Ơ nơi “gạo châu củi quế này”, một miếng thịt cũng được đóng gói đẹp đẽ và được cân chính xác từng gram. Đắt nhất là các loại thịt bò, cá và thịt lợn. Trong lúc đó, đùi gà có vẻ là rẻ nhất, chỉ khoảng 13.000đ tiền Việt Nam là đã có một chiếc đùi gà to tướng. Gạo cũng là lương thực chính của người Nhật mà giá cũng rất đắt, vào khoảng 75.000đ/1kg.

Người Nhật còn có cửa hàng “100 yen” bán đủ mọi thứ, trong đó có nhiều hàng hoá xuất xứ từ Trung Quốc như đồ sứ, văn phòng phẩm, bánh kẹo đồng hạng mức giá 100 yen (khoảng 13.000đ). Có lẽ đây là loại cửa hàng có giá cả rẻ nhất ở Nhật. Có thể tìm được nhiều đồ mỹ phẩm, đồ kỷ niệm Nhật Bản chính hiệu ở đây.

Mua hàng ở siêu thị cũng là một vấn đề. Nhiều người Việt sang Nhật biết tiếng Anh, còn đa số người bán hàng lại chỉ biết tiếng Nhật. Hàng hoá cũng không ghi tiếng nào khác. Vì thế, đành phải… đoán mò. Có lần đi mua chai dầu ăn, về nhà mở ra mới biết là… giấm. Đi mua đũa, tưởng mua loại đũa dùng một lần xếp trong túi nilông rất đẹp, về nhà mới biết đấy là một loại mì. Rút kinh nghiệm, khi đi mua nước chấm thì cứ chai nào có hình con cá bên ngoài thì chắc là không chệch vào đâu được. Chúng tôi cứ đùa nhau: Ơ Nhật mà không ăn nhầm phải… xà phòng là may lắm rồi.

Chợ trời

Một trong những khu chợ đông đúc họp chủ yếu ngoài trời, bán thực phẩm, quần áo, vận dụng được giảm giá đến 30-40% so với các nơi khác ở Tokyo là chợ giời Amey Yokocho ở gần ga Ueno. Có thể tìm thấy ở chợ nhiều rau cỏ và nhất là hải sản tươi sống. Thậm chí, nhiều gia vị và thức ăn các nước, nhất là của Trung Quốc và Việt Nam có đủ mặt ở đây: Xì dầu, tương ớt, mắm tôm, bánh phở, bánh đa nem, rau húng và nghe nói có cả rau muống… Khu chợ này đã giúp nhiều người đỡ nhớ hương vị quê hương.

Giữa Tokyo còn có những chợ đồ cũ. Không phải ngày nào chợ cũng họp và cũng không phải cố định một chỗ. Thường chợ họp vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, mỗi tuần lại luân phiên một địa điểm, lúc thì ở khu Shinjuku, lúc ở Công viên Minh Trị, lúc ở khu sân vận động Quốc Gia.

Chợ được sắp xếp ngẫu hứng. Không có lều lán mà chỉ là khoảng đất rộng, từng dãy ôtô xếp hàng, cửa xe mở ra, hàng hoá trút xuống thế là thành một quầy hàng với đủ mọi thứ. Ngoài người Nhật, người Châu Âu cũng hay đến tìm mua đồ điện cũ của Nhật vừa rẻ lại bền như máy tính, máy ảnh, máy nghe nhạc. Có những chiếc máy tính xách tay chỉ khoảng 2.000.000đ mà còn dùng rất tốt. Đồ điện, quần áo chất đống, tha hồ mặc cả, nhiều thứ rẻ giật mình.

Đi một lượt chợ, người nào cũng tìm được cho mình một thứ đồ mình thích, nhiều khi chỉ là một con búpbê xinh xinh kỷ niệm của xứ mặt trời mọc. Người bán hàng bán lấy được vì thường đó là những đồ không dùng để chật nhà, mang ra chợ bán như cho. Vì vậy, người mua kẻ bán gặp nhau đều vui vẻ và nhanh chóng. Giá trị hàng hoá không nhiều, nhiều người đi chợ như một nét sinh hoạt văn hoá thú vị, một chỗ để giao tiếp vui vui, tránh đi cái đơn điệu của một xã hội công nghiệp buồn tẻ. Chả thế mà nhiều người còn mang trống, kèn đến biểu diễn ầm ĩ. Chỉ một ít người coi bán hàng ở chợ là một nghề kiếm sống, chuyên thu gom đồ cũ khắp nơi mang ra chợ.

Hàng Việt Nam ở Tokyo

Như một làn sóng toàn cầu, đi đâu cũng gặp hàng Trung Quốc. Từ chiếc máy điện thoại đến đầu video trong nhà khách của một trường đại học cho đến con dao, cái bút, pin đèn trong các siêu thị bình dân.

Nếu so với Trung Quốc thì hàng Việt Nam sang đến Nhật Bản còn vô cùng khiêm tốn. Tỉ trọng lớn nhất vẫn là hải sản, nhất là tôm đông lạnh, không những bán đầy Tokyo mà còn ở nhiều tỉnh khác nữa. Ngoài ra, một số siêu thị còn kinh doanh bia 333, càphê Trung Nguyên, hàng mỹ nghệ… Thị trường may mặc Việt Nam cũng len được tới các quầy hàng bằng những chiếc áo jacket giá rẻ.

Nếu như hàng Việt Nam xuất hiện khiêm tốn thì đã có nhiều quán ăn Việt Nam ở Tokyo. Đối diện cửa hàng ăn nhanh McDonal’s ở ga Ueno là cửa hàng bánh mì viết bằng tiếng Việt. Một số quán rải rác ở các quận đông dân khác, do người Việt quản lý. Có cả phở, nộm, nem, bánh chưng.

Ngày lễ, Tết, Việt kiều, lưu học sinh thường tụ tập. Cả những người Nhật từng công tác ở Việt Nam cũng hay đến ăn cho đỡ nhớ món ăn Việt Nam. Giá cả một bữa ăn mang đậm hương vị Việt thật không thể tưởng tượng nổi, đắt hơn cả món ăn Nhật nhiều vì ở Tokyo thì đấy là “đặc sản”. Mỗi suất ăn vài món thòm thèm như vậy cũng phải đến 6-7.000.000đ, mà ở Việt Nam tương tự như vậy có lẽ chẳng quá 30.000đ.

(Nguồn: Lao Động số 235 – 23.08.2003 )