Thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật Bản


Nhật Bản là thị trường tiêu thụ quy mô lớn nhiều loại hàng hóa nhập khẩu với khoảng 126 triệu dân có mức thu nhập trung bình 31 nghìn USD/người/năm. Người tiêu dùng Nhật Bản sẵn sàng trả giá cao hơn chút ít cho những hàng hoá có chất lượng tốt. Riêng đối với xuất khẩu rau tươi và rau đông lạnh cho thị trường Nhật Bản, các nhà kinh doanh xuất khẩu cần lưu tâm tới những đặc điểm sau.


Ðối với rau tươi: mỗi năm Nhật Bản tiêu thụ 17 triệu tấn rau các loại, trung bình mỗi người dân tiêu thụ khoảng 100 kg rau/ năm. Xu hướng tiêu thụ gần đây chủ yếu hướng vào các loại rau tươi giàu Vitamin có lợi cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, nhu cầu cũng tăng đối với các loại rau được chế biến sẵn sàng hoặc ợ dang’ đông lạnh vị một bộ phận lớn dân cư có nhu cầu rút ngăn thời gian chế biến khi làm bếp. Xu thế ăn kiêng đã dẫn đến việc nhập khẩu các loại rau trước đây không phổ biến ở thị trường Nhật Bản như: rau diếp, tỏi tây, hành tăm, salát, củ cải và một số loại cây có rễ củ dài dùng làm rau.

Nhập khẩu rau tươi vào thị trường Nhật Bản luôn bị ảnh hưởng bởi thời vụ, nhất là khi sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu. Vài năm gần đây, xu hướng nhập khẩu tăng lên do một số nguyên nhân như: các nhà cung cấp thực phẩm trong nước tích cực tìm kiếm các nguồn nhập khẩu trái vụ; sức tiêu thụ mạnh của hệ thống siêu thị trong nước nhằm đáp ứng khẩu vị món ăn ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Thị phần rau tươi nhập khẩu đến nay chiếm khoảng 18% thị trường rau trong nước. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Mê-hi-cô, Niu Di- lân, Ô-xtrây-lia, Trung Quốc. Trong đó, Mỹ là nước cung cấp chủ yếu các loại hành, hoa lơ, măng tây, bí ngô.. Nui Di-lân và Ô-xtrây-lia thường cung cấp các loại rau tưới trái vụ do nằm ở vùng khí hậu Nam bán cầu. Trung Quốc cung cấp nhiều rau tươi nhờ ưu thế thuận lợi về địa lý.

Rau tươi thường được phân phối qua các chợ bán buôn. Hệ thống bán đấu giá tại các chợ bán buôn là một nét đặc trưng của hệ thống phân phối rau tươi. Các nhà bán buôn trung gian và một số nhà bán buôn khác mua hàng từ các phiên đấu giá trong ngày, sau đó bán lại cho các nhà bán lẻ. Có tới 85% rau tươi tiêu thụ ở Nhật Bản được phân phối theo cách này, phầncòn lại được phân phối trực tiếp qua các chợ bán buôn tới các HTX chế biến thực phẩm, các HTX nông nghiệp, các Cty thương mại và các nhà buôn bán lớn trong ngành thực phẩm những người cuối cùng bán sản phẩm đã chế biến cho người tiêu dùng. Rau nhập khẩu qua các đầu mối sau đó được đưa ra chợ bán buôn giống như rau sản xuất trong nước. Gần đây, ngày càng nhiều nhà nhập khẩu và các cửa hàng chuyên bán buôn bắt đầu ký hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp nước ngoài để tạo nguồn cung ổn định và đa dạng đáp ứng những điều kiện đặt ra. Phương thức này ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Ðối với rau đông lạnh: Do được bảo quản ở nhiệt độ thấp nên rau đông lạnh có thể giữ được khoảng 1 năm hoặc lâu hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Hiệp hội thực phẩm đông lạnh Nhật Bản đã đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn duy trì chất lượng đối với hầu hết các loại rau đông lạnh. Ví dụ, hạn dùng cho măng tây là 12 tháng, cà rốt 20 tháng, bí ngô 24 tháng.

Rau đông lạnh có thể dùng cả năm với chất lượng và giá cả ổn định. Vì thế, mỗi khi giá cả rau tươi tăng lên, nhu cầu về rau đông lạnh càng cao. Mỹ, Trung Quốc, Ðài Loan, Thái Lan… là những nước cung cấp rau đông lạnh chủ yếu cho thị trường Nhật Bản. Phương pháp phân phối thông dụng nhất đối với rau đông lạnh tại thị truờng Nhật Bản là thông qua các Công ty thương mại. Ðôi khi rau đông lạnh nhập khẩu đi trực tiếp từ Công ty thương mại tới các nhà máy chế biến thực phẩm để đưa vào chế biến các mặt hàng thực phẩm. Những năm gần đây, phương thức phân phối mới này càng gia tăng, bỏ qua giai đoạn trung gian của quá trình phân phối.

Các Quy Ðịnh Pháp Luật:

Tất cả các loại rau nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản đều phải đáp ứng các điều khoản của Luật Bảo vệ thực vật và Quy định vệ sinh thực phẩm. Khi tiêu thụ rau tươi phải dán nhãn quốc gia xuất khẩu theo yêu cầu của Luật về tiêu chuẩn và dán nhãn hàng ông lâm sản.. (Luật JAS)

Nhật Bản rất thận trọng đối với các loại côn trùng trên rau như: ruồi hại hoa quả, bọ cánh cứng trên lá, nấm mốc. Vì thế, khi phát hiện thấy những vùng nào, những quốc gia nào có biểu hiện các loại sâu bọ trên thì mọi loại rau tươi và đông lạnh ở đó sẽ không được xuất khẩu vào Nhật Bản. Ngoài ra, hàng hóa sẽ không được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản nếu không có Giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm của Chính phủ nước xuất khẩu cấp.

Khi kiểm tra tại cảng nhập khẩu nếu phát hiện có dấu hiệu lây nhiễm hay ký sinh trùng trên sản phẩm thì hàng hóa sẽ bị gởi trả lại người xuất khẩu hoặc bị hủy bỏ tùy theo kết quả kiểm tra. Ngoài ra, rau quả ở dạng củ khi nhập khẩu vào Nhật Bản không được lẫn đất. Có những loại rau không đuợc nhập khẩu dưới dạng tươi nhưng có thể nhập khẩu ở dạng đông lạnh, khô hoàn toàn, ngâm dấm hay dưới các dạng chế biến khác. Ðối với khoai tây và khoai sọ phải được trồng vào một thời gian nhất định và được kiểm tra tại vườn nơi thu hái nhằm phát hiện vi rút ngay cả khi sản phẩm có xuất xứ ngoài những khu vực bị cấm nhập khẩu. Tất cả các loại rau tươi phải kiểm tra về dư lượng của thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh, các chất phóng xạ. Rau đông lạnh phải được kiểm tra về các tiêu chuẩn đối với vi khuẩn.

Yêu Cầu Về Nhãn Hàng Hóa

Ðối với rau tươi: nhà phân phối phải cung cấp những thông tin để khách hàng lựa chọn như: tên và loại sản phẩm; nơi hay đất nước sản xuất; tên nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, chủ tàu vận tải; số lượng bên trong; loại kích cỡ sản phẩm. Ðối với rau đông lạnh: phải dán nhãn bao hàm những thông tin như; tên sản phẩm: thời hạn sử dụng; tên nhà sản xuất và địa chỉ hoặc tên nhà nhập khẩu và địa chỉ; danh mục các loại pụ phẩm thêm vào (nếu có); hướng dẫn sử dụng; phương pháp bảo quản.

Các doanh nghiệp nước ngoài lần đầu tham gia thị trường rau Nhật Bản cần lưu ý: phải hiểu rõ hệ thống bán đấu giá trên thị trường bán buôn và cả các chi phí phân phối để bảo đảm hàng đến tay nguời tiêu dùng nhanh và trôi chảy. Có thể ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị dịch vụ thực phẩm lớn để cung cấp trực tiếp sản phẩm cho họ. Các nhà sản xuất phải nghiên cứu kỹ phương pháp trồng trọt phù hợp với tiêu chuẩn quy định về dư lượng thuốc trừ sâu và phải kiểm tra sản phẩm nghiêm ngặt trước khi nhập khẩu.

Với loại rau không thông dụng với người tiêu dùng Nhật Bản thì phải tiến hành quảng cáo giới thiệu sản phẩm và có những chiến dịch thông tin công cộng nhằm tạo ra nhu cầu cho sản phẩm của mình, hướng dẫn người tiêu dùng cách sử dụng sản phẩm của mình.

Người Nhật Bản đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, nên nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và dán nhãn sản phẩm, phải bảo đảm độ tươi, kích cỡ, màu sắc của sản phẩm. Sản xuất an toàn và vệ sinh thực phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng trong suốt quá trình chế biến là hết sức cần thiết.

Người sản xuất cũng cần hiểu biết sở thích và văn hóa nấu ăn của người Nhật Bản. Phải bảo đảm sản phẩm tươi và hạn chế tối đa sự dập nát. Hàng tươi vào thị trường Nhật Bản rất khó, nhưng khi vào được thì nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Ðiều quan trọng là phải chú ý thường xuyên tới từng lô hàng. Kinh nghiệm cho thấy, khi đã vào được thị trường Nhật Bản, chỉ một sơ xuất nhỏ trong một lô hàng do vấn đề vệ sinh thực phẩm có thể dẫn tới lô hàng bị hủy bỏ thậm chí còn bị cấm nhập khẩu, khi đó khả năng thâm nhập trở lại của loại sản phẩm đó là rất khó.

(BTM-Tạp chí Thương mại)