Luôn sẵn sàng ứng phó với động đất

Nhằm đối phó tình hình động đất xảy ra tại Nhật thường xuyên gần đây, VYSA tổng hợp một số kiến thức về phòng tránh và bảo vệ cho các bạn đang học tập, làm việc hoặc du lịch tại Nhật khi xảy ra động đất.
A. Làm quen với động đất
Việc làm quen với động đất ở đây chính là việc không được quên sự tồn tại của động đất trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản. Bạn không cần phải lo sợ quá mức. Động đất là tình trạng như thế nào, nếu xảy ra động đất thì bạn nên làm gì, những vấn đề này bạn cần phải biết qua trải nghiệm thực tế chứ không chỉ bằng kiến thức đơn thuần.
Vậy để làm quen với động đất thì cụ thể bạn nên làm gì?
 
1. Hãy thử trải nghiệm với động đất
Ở Nhật Bản, mỗi tỉnh thành đều có Trung tâm phòng chống thiên tai hoặc Viện phòng chống thiên tai, tại đây có khu vực để trải nghiệm động đất hay khu diễn tập chống hỏa hoạn v.v. Ở đây, bạn được trải nghiệm động đất giống như trong thực tế, được sử dụng thử bình chữa cháy để chống hỏa hoạn. Ngoài ra, bạn sẽ được tham gia khóa học về hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim.
Bạn hãy đến thăm những cơ sở như thế này một năm vài lần. Việc làm quen với động đất bằng cách vừa cảm nhận thực tế bằng cơ thể, vừa nhìn, sờ vào vật thật là hết sức cần thiết.
Ví dụ ở Tokyo có những trung tâm phòng chống thiên tai, viện phòng chống thiên tai dưới đây.

Viện phòng chống thiên tai Ikebukuro
Khu vực trải nghiệm động đất Được trải nghiệm độ rung lắc của động đất đến cấp độ 7 (theo thang đo của Nhật).
Khu vực trải nghiệm khói Được trải nghiệm cách tìm lối thoát hiểm để lánh nạn ở giữa đám khói
Khu vực diễn tập chống hỏa hoạn Được diễn tập chữa cháy bằng việc dập lửa được chiếu lên một màn hình lớn
Khu vực diễn tập cứu thương Được làm quen với hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim v.v…
Ngoài ra, bạn còn được trải nghiệm cách sơ cứu cho trẻ sơ sinh.
Địa điểm Tokyo-to, Toshima-ku, Nishi Ikebukuro2-37-8
Giờ mở cửa 9:00 – 17:00
Ngày đóng cửa Thứ 3 hàng tuần và Thứ 4 của tuần thứ 3 trong tháng (Trường hợp rơi vào ngày lễ thì nghỉ sang ngày hôm sau),
Nghỉ tết dương lịch (28/12 – 04/1)
Phí vào cửa Miễn phí
Liên hệ Điện thoại 03-3590-6565
Website http://www.tfd.metro.tokyo.jp/hp-ikbskan/index.html

Ngoài ra còn có những cơ sở dưới đây.

 
2. Để bảo vệ bản thân mình
Trường hợp bạn đang ở trong nhà, hãy bảo vệ cơ thể khỏi đồ đạc bị lăn, đổ, vật từ trên giá rơi xuống, hoặc mảnh vụn của bát đĩa hay kính bay văng vào người. Nếu có thể bạn hãy hạn chế hết mức việc đặt đồ nội thất hoặc thiết bị điện trong phòng ngủ.
Vậy thì, cụ thể nên chuẩn bị như thế nào?

  1. Để đồ nội thất như tủ quần áo, kệ sách, kệ đựng bát đĩa hay thiết bị điện không bị đổ, bạn hãy cố định chúng vào tường, sàn nhà và cột.
  2. Với cánh cửa của tủ bát đĩa hay tủ sách, bạn hãy luôn cài sẵn khóa để cánh cửa không tự bật ra được.
  3. Không đặt các thứ lên trên giá hoặc tủ. Đặc biệt không đặt vật dễ vỡ hoặc vật nặng.
  4. Khi xếp đồ lên giá thì bạn hãy xếp vật nặng ở dưới, vật nhẹ ở trên.
  5. Hãy dán phim chống văng mảnh cho kính cửa sổ.
  6. Luôn chuẩn bị sẵn dép, sandal, giày trong phòng.
    ⇒Việc này sẽ tránh cho chân bạn không bị thương bởi chén bát rơi vỡ hay những mảnh vụn kính. Nếu chân bạn bị thương thì việc chạy lánh nạn sau đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
  7. Để sẵn đèn pin (đèn cầm tay) ở vị trí mà bạn có thể lấy được ngay.
    ⇒Khi xảy ra động đất mạnh thì thông thường sẽ bị mất điện. Trường hợp trời đã tối, bạn sẽ không thể nhìn thấy gì. Vì vậy bạn nên để sẵn “đèn pin và sandal” ở cạnh giường .
  8. Kiểm tra trước mức độ an toàn của phòng và của ngôi nhà mình đang ở.
    ⇒Có thể nhanh chóng ra ngoài bằng cửa ra vào không. (Xung quanh lối đi vào có vật cản trở nào không)
    ⇒Có lối thoát nào ngoài cửa ra vào không? (ban công, cửa sổ v.v…)
    ⇒Có thể sử dụng tốt cầu thang khẩn cấp ngoài thang máy không?
    ⇒Có trang bị bình chữa cháy không v.v…

Chú ý! Những căn hộ bằng gỗ được xây dựng trước năm 1980 đã được xây dựng theo tiêu chuẩn chống động đất cũ. Dù cho được xây dựng theo tiêu chuẩn chống động đất hiện nay thì cũng không thể nói những căn nhà đó là 100% an toàn. Vì vậy bạn hãy lưu ý đến vấn đề phòng chống động đất trong khi chọn nhà để ở.
3. Để lánh nạn
Sau khi rung lắc mạnh đã lắng xuống, trường hợp bạn rơi vào tình huống nguy hiểm như nhà cháy hay bị đổ thì bạn phải nhanh chóng lánh nạn. Vậy khi lánh nạn thì bạn sẽ mang gì theo? Bạn mang tiền theo ? hay mang hộ chiếu theo?
Trước hết bạn hãy nghĩ để “kéo dài sự sống ở bên ngoài” thì cái gì là cần thiết.
Trên trang Web của viện bảo tàng phòng cháy và phòng chống thiên tai, các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm của những người đã trải qua thảm họa động đất lớn: “Cái gì là cần thiết đối với bạn khi gặp thiên tai ?” 
Khi lánh nạn, bạn nên chuẩn bị sao cho để trong vòng 3 ngày sau động đất bạn vẫn có thể tự mình kéo dài sự sống. Bạn hãy sắp xếp những thứ cần thiết theo thứ tự ưu tiên, tùy vào hoàn cảnh của mình mà chuẩn bị sẵn “hành lý dùng trong trường hợp khẩn cấp” theo cách riêng của mình.
Dưới đây chúng tôi liệt kê những hành lý dùng trong trường hợp khẩn cấp theo tuần tự thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp:
※Thứ tự ưu tiên ở đây là theo quan điểm riêng của tác giả này, không phải là đúng tuyệt đối.
Thứ tự ưu tiên : cao
1-1. Đèn pin
1-2. Nước
1-3. Đồ hộp và mỳ hộp (đồ hộp có thể mở được mà không cần dụng cụ mở)
1-4. Radio cầm tay
Thứ tự ưu tiên : trung bình
2-1. Pin khô
2-2. Khăn mặt
2-3. Đồ đi mưa (Bạn nên mang theo áo mưa hơn là dùng ô)
2-4. Quần áo (đồ lót và áo len)
2-5. Dao
2-6. Bật lửa
2-7. Thuốc
2-8. Khăn giấy, giấy vệ sinh
2-9. Thùng nhựa (Sử dụng để vận chuyển nước)
2-10. Điện thoại di động
2-11. Hộ chiếu, thẻ cư trú
Vật mà nếu có thì sẽ tiện lợi, hoặc nếu được thì cũng nên mang theo
3-1. Tiền bạc
3-2. Toa lét di động, toa lét giản gọn
3-3. Băng vệ sinh
3-4. Túi ni lông
3-5. Băng keo vải
3-6. Dụng cụ viết
Những thứ này nên được chuẩn bị ngay từ bây giờ bạn hãy sắp xếp các thứ vào túi, và luôn để sẵn chúng ở gần cửa ra vào.
B. Bạn cần làm gì khi xảy ra động đất
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong trong động đất là do bị chôn vùi dưới các tòa nhà đổ và do bị chết cháy trong hỏa hoạn. Trong trận đại động đất Hanshin-Awaji xảy ra vào tháng 1 năm 1995, trong số những người bị chết cháy thì có cả trường hợp do bị mắc kẹt ở bên trong tòa nhà, không thể di chuyển được, và cứ vậy mà bị ngọn lửa thiêu chết.
Khi xảy ra động đất thì bạn phải nghĩ ngay đến 3 điểm sau:
(1)Đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân mình
(2)Phòng chống hỏa hoạn
(3)Đảm bảo lối thoát
Ngay khi cảm thấy rung lắc, bạn cần xử lý những việc nêu trên một cách nhanh nhất có thể. Điều này sẽ quyết định việc bạn có thể vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết hay không.
Thế nhưng, bạn có thể hình dung được khi động đất lớn xảy ra rung lắc mạnh đến mức độ nào không ? Bạn phải biết rằng khi ở trong môi trường rung lắc của động đất cấp độ 7, con người không thể làm gì cả. (Bạn hãy thử trải nghiệm ở viện phòng chống thiên tai) Bạn sẽ không thể đứng được, cơ thể bị lắc lư, trong nhà tivi bị rơi đổ, cửa sổ đang cài khóa cũng tự nhiên bung ra rồi rơi xuống…
Tuy nhiên dù sự thật là bạn không thể làm được gì vào thời điểm đó thì cũng không có nghĩa là bạn không cần chuẩn bị. Mức độ hoảng loạn sẽ khác nhau tùy vào bạn có sự chuẩn bị hay không. Dù cho lúc đó bạn bị một cú sốc mạnh và không thể làm gì nhưng sau đó bạn phải biết nhận thức lại là làm tất cả để sinh tồn.
Để làm được điều đó thì cần ý thức thường xuyên việc nếu cảm thấy rung lắc mạnh thì nên hành động như thế nào, hãy luyện tập bằng tưởng tượng. Và việc trải nghiệm bằng những chương trình mô phỏng ở Viện phòng chống thiên tai hay trong các buổi huấn luyện phòng chống thiên tai là rất cần thiết.
Dưới đây là lời khuyên của chúng tôi về hành động của các bạn trong từng trường hợp cụ thể:
 
1. Trong thời gian xảy ra động đất cho tới khi những rung lắc tạm thời lắng xuống
a. Khi đang ở trong phòng
Rung lắc mạnh thường xảy ra trong 1 phút đầu tiên. Trước hết bạn hãy chui vào gầm bàn ăn hoặc bàn học, nắm chặt chân, bảo vệ người mình khỏi những vật rơi xuống và những đồ đạc bị lăn, đổ.
 
Tắt lửa
Nếu bạn vẫn có thể di chuyển được, bạn phải tắt ngay lửa ở bếp ga, lò sưởi, bàn là v.v…
⇒Hãy đi dép hoặc giày để đảm bảo an toàn cho đôi chân. Trong phòng mà có chén bát hay kính cửa sổ bị rơi vỡ thì sẽ rất nguy hiểm.
⇒Nếu lửa cháy lan sang xung quanh thì hãy bình tĩnh dập lửa.
★Chú ý!
Trong khi rung lắc dữ dội thì bạn không nên cố dập lửa. Vì nếu như vậy thì người bạn có thể bị chạm vào bếp gas đang có lửa hay bị ấm nước sôi đổ vào và lúc đó sẽ rất nguy hiểm.
 
Đảm bảo lối thoát
Hãy mở cửa ra vào hoặc cửa sổ để đảm bảo lối thoát.
★Chú ý! Bạn không được vội vã lao người ra ngoài. Ở bên ngoài mảnh vỡ của kính cửa sổ hoặc biển quảng cáo có thể sẽ rơi xuống nên rất nguy hiểm. Đôi khi ở trong nhà lại an toàn hơn. Nếu không rơi vào những trường hợp nguy hiểm như nhà sắp đổ, trần nhà sắp rơi xuống, xảy ra hỏa hoạn đến mức không thể dập lửa được, thì bạn không cần thiết phải chạy ra ngoài. Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài lánh nạn thì bạn hãy vừa xem xét tình hình xung quanh vừa hành động một cách thận trọng.
 b. Khi đang ở trên phố (khu vực không có mái che)

  1. Hãy bảo vệ đầu bằng túi xách hoặc áo khoác.
  2. Không đến gần những vật có nguy cơ đổ, rơi xuống như tòa nhà, máy bán hàng tự động, kính cửa sổ, biển quảng cáo, cột điện v.v…
  3. Hãy di chuyển đến vị trí càng rộng càng tốt.

⇒Nói chung bảo vệ đầu khỏi những vật rơi xuống là việc quan trọng nhất.
c. Khi ở khu vực tầng ngầm

  1. Hãy bảo vệ đầu bằng túi xách hoặc áo khoác.
  2. Không đến gần những vật có khả năng đổ, rơi xuống như đèn chiếu sáng, kính cửa sổ, biển quảng cáo v.v…

⇒ Người ta cho rằng khu vực tầng ngầm an toàn hơn. Dưới lòng đất rung lắc nhẹ hơn so với trên mặt đất, và được thiết kế đèn chiếu sáng khẩn cấp khi mất điện, hơn thế cứ 60m lại có một cửa thoát hiểm. Bạn nên bình tĩnh hành động theo chỉ thị của người hướng dẫn.
★Chú ý !
Khi mất điện xung quanh đều tối và bạn sẽ hoảng sợ. Trong hoàn cảnh đó, nếu bạn va vào người xung quanh rồi vấp ngã, những người kế theo cũng ngã xuống thì bạn sẽ bị cả núi người đè lên. Sau một thời gian ngắn điện dùng cho trường hợp khẩn cấp sẽ được phát, nên bạn đừng hành động thiếu thận trọng mà trước hết hãy cố giữ bình tĩnh.
d. Khi đang ở trong cửa hàng bách hóa hay trong tòa nhà

  1. Bảo vệ đầu bằng túi xách hoặc áo khoác.
  2. Đứng cách xa tủ bày hàng, kính cửa sổ, hay các sản phẩm như hàng điện tử hay đồ nội thất v.v…
  3. Hướng tới cửa thoát hiểm, thoát ra ngoài bằng cầu thang khẩn cấp.

Chú ý!
Bạn không được sử dụng thang máy. Ngoài ra, trường hợp xảy ra hỏa hoạn thì không được đi lên tầng trên bởi vì khói sẽ lan lên trên.
Dù ở trong nhà hay bên ngoài,điều quan trọng nhất hơn tất cả là bạn phải bảo vệ mình khỏi vật rơi xuống hoặc vật bị lăn, đổ và phải cố sống sót trong 1 phút đầu tiên.
 
2. Khi những rung lắc đã lắng xuống
Kiểm tra sự an toàn xung quanh
Nếu có người bị thương thì bạn hãy sơ cứu tại chỗ trong khả năng có thể. Bạn hãy nhớ rằng dù có gọi xe cấp cứu thì cũng không thể đến ngay lập tức. Nếu được bạn hãy trang bị cho mình kỹ thuật sơ cứu để dùng khi cần.
Bạn hãy kiểm tra xung quanh xem có xảy ra hỏa hoạn hay không. Nếu có thì bình tĩnh dập lửa.
(Nếu ở trong nhà) Tích trữ nước vào bồn tắm.
Tích trữ nước để dùng cho nhà vệ sinh. Thực chất điều này rất quan trọng ! Nếu mất nước thì sẽ không thể xử lý chất thải được. Nếu không thể xử lý chất thải được, sự ô uế của chất thải sẽ làm không khí ở trong nhà trở nên thật kinh khủng. Nếu từ đường nước nước vẫn chảy ra dù chỉ một ít, thì bạn hãy cố tích trữ nước hết mức có thể. (Thông thường lượng nước sử dụng một lần trong nhà vệ sinh bằng 2 xô nước). Mẹo nhỏ: hàng ngày tắm xong thì bạn không nên đổ nước nóng trong bồn đi ngay mà nên để nguyên nước trong bồn để đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Thu thập thông tin trên Tivi và Radio
Hãy lánh nạn ra ngoài trong trường hợp nhà lung lay sắp đổ.
Chú ý!
Trường hợp từ trong nhà lánh nạn ra ngoài, bạn phải đi một đôi giầy thật chắc chắn, tắt cầu dao, vặn chặt van khóa ga rồi hãy ra ngoài. Vì khi có điện trở lại, các thiết bị điện vẫn đang để bật sẽ có khả năng bốc cháy và trở thành nguyên nhân gây ra hỏa hoạn.
3. Nên lánh nạn ở đâu ?
Ở mỗi địa phương đều thiết lập địa điểm lánh nạn tạm thời, địa điểm lánh nạn diện rộng, khu tị nạn. Trước hết bạn hãy đi đến địa điểm lánh nạn tạm thời.
Địa điểm lánh nạn tạm thời là nơi lánh nạn tạm thời để xem xét tình hình thiên tai. Địa điểm lánh nạn tạm thời thường được chỉ định ở công viên hoặc đền thờ gần đó bởi các hội tự trị hay tổ dân phố v.v…
Nếu địa điểm lánh nạn tạm thời nguy hiểm thì bạn hãy đi đến “địa điểm lánh nạn diện rộng“. Đó là nơi lánh nạn được chỉ định ở các tỉnh thành trong trường hợp có hỏa hoạn lớn xảy ra. Khi thiên tai lắng xuống, bạn có thể trở về nhà.
Cuối cùng, hãy đi đến “Khu tị nạn“. Đó là nơi mọi người đến ở tạm một thời gian ngắn trong trường hợp nhà bị đổ, bị cháy rụi hết trong hỏa hoạn. “Khu tị nạn” thường được chỉ định ở trường học của địa phương v.v…
Bạn hãy tìm hiểu trước về địa điểm lánh nạn tạm thời, địa điểm lánh nạn diện rộng, khu tị nạn của địa phương mình đang sống tại các cơ quan hành chính của các tỉnh, thành phố, thị trấn, làng hoặc trên trang web. Ngoài ra, khi đi lánh nạn thì bạn sẽ cần mang theo hành lý cần thiết nhất nhưng khi biến cố xảy ra bạn sẽ rất khó có thể chuẩn bị được.
VYSA hy vọng với những kiến thức tổng hợp trên sẽ giúp các bạn Việt Nam tại Nhật bảo vệ mình tốt hơn và sẵn sàng để sống cùng thiên tai.

Nguyễn T. Huân (tổng hợp)