Nhật Bản sẵn sàng cấp thêm vốn ODA cho Việt Nam


Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN trước khi rời Hà Nội về Tôkyô, Tổng vụ trưởng Báo chí và Quan hệ Công cộng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hatsuhisa Takashima cho biết, mặc dù ngân sách nước ông đang rất eo hẹp, nhưng Nhật Bản vẫn sẵn sàng tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam và có thể tăng thêm khi cần thiết.

Ông nói: Chúng tôi gặp nhiều khó khăn về ngân sách và phải cắt giảm ODA. Chúng tôi muốn ODA được sử dụng rộng rãi hơn ở các quốc gia tiếp nhận và chúng tôi đang đàm phán với chính phủ Việt Nam làm thế nào để phát triển nguồn vốn ODA có hiệu quả nhất.

Ông khẳng định phía Nhật Bản đã kiểm tra và nhận thấy rằng nhìn chung vốn ODA của Nhật Bản vào Việt Nam được sử dụng rất có hiệu quả. Chúng tôi cũng rất hài lòng khi thấy nhiều chương trình sử dụng nguồn vốn này đang được thực hiện. ODA đã góp phần nâng cao đời sống của người dân Việt Nam, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường bảo vệ môi trường.

Ông Takashima cho biết vốn ODA của Nhật Bản giành cho những quốc gia khác đã giảm nhiều trong mấy năm qua do tình hình khó khăn của chúng tôi. Nhưng số lượng ODA cho Việt Nam không những không giảm mà vẫn ở mức cao. Năm 2002, đạt 92 triệu yên (khoảng 850 triệu USD). Năm 2003, thấp hơn một chút, 91 triệu yên (khoảng 800 triệu USD).

Về đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, ông cho biết, Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về đầu tư sắp có hiệu lực. Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hiệp định này hai tuần trước và chúng tôi đang chờ đợi chính phủ Việt Nam bổ sung thêm những chi tiết kỹ thuật cho hiệp định này. Hiệp định này được soạn thảo rất kỹ và ở cấp cao. Hầu hết các điều khoản và điều kiện của hiệp định này cũng giống như những hiệp định mà chúng tôi đã ký với Xingapo và Hàn Quốc.

Việc Việt Nam tham gia vào WTO sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và công ty Nhật Bản tới đầu tư ở Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đang hồi phục và thời điểm Việt Nam tham gia vào WTO đang tới gần. Hai nước chúng ta sẽ đàm phán về một khu vực mậu dịch tự do trong tương lai. Tất cả những điều này sẽ làm cho Việt Nam trở thành hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên đường từ sân bay về trung tâm Hà Nội tôi thấy nhiều khu công nghiệp và nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đã mở chi nhánh của họ ở Việt Nam. Các doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm vốn và công nghệ mới nếu đầu tư của họ ở Việt Nam có hiệu quả. Điều đó sẽ khích lệ các nhà đầu tư Nhật Bản và nước ngoài khác tới làm ăn ở Việt Nam.

Về việc Việt Nam gia nhập WTO, ông Takashima cho biết, Việt Nam đã vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng năm 1997 và đạt mức tăng trưởng cao. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy Việt Nam đang đi tới thành công nhờ chính sách đổi mới và sự ủng hộ của dân chúng.

Theo tôi, bây giờ điều quan trọng là phải giữ sự tăng trưởng kinh tế này ổn định và khi đó Việt Nam sẽ có thể xem xét sửa đổi các quy định của mình cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Sự tham gia của Việt Nam vào WTO sẽ trở thành hiện thực vào năm 2005 như nhiều người mong đợi, và Nhật Bản hết lòng ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO.

Khi đã gia nhập WTO, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và điều đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Trước hết, việc đàm phán thành công với các quốc gia WTO hàng đầu để trở thành thành viên của tổ chức quốc tế này là hết sức quan trọng.

Việt Nam cần phải sửa đổi quy định về thương mại của mình cho tương thích với tiêu chuẩn chung của WTO vì đó là những quy định và tiêu chuẩn đã được chấp nhận trên toàn thế giới. Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị tốt trước khi gia nhập WTO tạo điều kiện mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác và sẵn sàng cho cạnh tranh quốc tế. Việt Nam sẽ có điều kiện hơn và Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam thực hiện nỗ lực của mình.

Chúng tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành một thành viên của WTO và hy vọng Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế này trong năm tới.

Khi đề cập tới các lĩnh vực khác trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, ông nói du lịch là một trong những chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước gần đây và Bộ trưởng Ngoại giao Kawaguchi đã đánh giá cao quyết định của Việt Nam cho phép công dân Nhật thăm ngắn ngày Việt Nam mà không cần thị thực.

Điều này sẽ khích lệ khách du lịch Nhật tới thưởng thức nền văn hoá và vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam. Năm ngoái, hơn 300.000 nguời Nhật đã tới Việt Nam. Tôi tin rằng nếu có thêm nhiều hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Nhật thì sẽ có rất nhiều khách Nhật tới Việt Nam.

Về hợp tác lao động, ông cho biết, Nhật Bản đang thảo luận vấn đề này với Philíppin và Thái Lan, sau khi đàm phán với các nước này xong, chúng tôi sẽ đàm phán với Việt Nam.

Ông Takashima còn cho biết, tại hội nghị Giacácta vừa qua, Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến mở rộng ASEAN thành Cộng đồng Đông Á. Tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao năm nay, ASEAN đã quyết định thành lập cộng đồng an ninh chung để tới năm 2020 sẽ xây dựng một cộng đồng ASEAN.

Trong quan hệ với ASEAN, Nhật Bản tiếp tục thực hiện những cam kết của mình tại hội nghị thượng đỉnh Tôkyô. Chúng tôi đã cam kết giúp phát triển vùng phía nam của ASEAN và khu vực tiểu vùng Mêkông. Cũng tại hội nghị Giacácta, Nhật Bản đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN.

Nguồn:TTXVN