You are currently viewing Những nét thú vị về văn hóa đọc ở Nhật

Những nét thú vị về văn hóa đọc ở Nhật

Đọc sách có nhiều lợi ích, giúp cho não bộ hoạt động, khỏe mạnh, tránh lão hoá, trau dồi kiến thức về nghề nghiệp, cuộc sống, tăng thêm vốn từ và khả năng diễn đạt, tăng cường khả năng tư duy, giúp con người có năng lực tập trung.

Và chúng ta vẫn thường thấy người Nhật thường xuyên đọc sách, truyện khi đi trên các phương tiện công cộng, hay ở các quán cafe… Ngày nay, khi smartphone trở nên phổ biến, hầu hết người dùng đều ít nhiều bị cuốn hút bởi internet, game trực tuyến. Ở Nhật, phần nào cũng chịu sự ảnh hưởng đó, tuy nhiên văn hoá đọc của Nhật vẫn còn rất nhiều thú vị, cùng VYSA khám phá nhé

1. Văn hóa dùng bìa bọc sách – Bukkukaba

Bọc sách là để giữ gìn tài sản tri thức, và cũng là để tôn trọng riêng tư, tránh những ánh nhìn tò mò của người khác khi đọc ở nơi công cộng. Dù không phải sách có nội dung đồi trụy nhưng người Nhật cũng không muốn người khác biết về sở thích cá nhân. Điều thú vị là các nhà sách ở Nhật đã dựa trên văn hóa này mà thực hiện chiến dịch marketing khôn khéo. Mỗi nhà sách sẽ thiết kế những cover bọc sách hoặc bằng giấy, bìa hay vải, da… để thể hiện dấu ấn riêng như logo. Ngoài những bìa bọc sách được bán sẵn, tặng kèm ở khắp các cửa hàng lớn nhỏ, khá nhiều người Nhật tự thiết kế làm những tấm áo bọc sách handmade mang dấu ấn cá nhân, thể hiện sự khéo léo của bản thân và không đụng hàng.

2. Đọc sách mọi lúc mọi nơi

Có thể thấy do phải thường xuyên đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng và tranh thủ thời gian trống cho thói quen đọc sách, người Nhật đã phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn chỉ tương đương kích cỡ một gang bàn tay, có thể dễ dàng bỏ vào túi xách hay túi áo. Các cuốn sách nhỏ này có cỡ chữ vừa đủ để đọc trong khi các trang giấy được gia công mỏng tới mức một cuốn vài trăm trang cũng có thể nằm gọn trong lòng bàn tay. Mọi người đọc sách trong mỗi giờ giải lao sau khi làm việc, lúc xếp hàng mua đồ, trên tàu điện ngầm hoặc thậm chí trong tư thế đứng lắc lư trong suốt một chặng đường dài… Theo thống kê, số lượng tiệm sách ở Nhật bằng với số lượng tiệm sách ở Mỹ, trong khi diện tích của Mỹ lớn hơn Nhật 26 lần và dân số gấp đôi Nhật Bản.

3. Văn hóa đọc đứng – Tachiyomi

Bất cứ đâu trên đất nước “Mặt trời mọc” như công viên, quán cà phê, tàu điện, sân ga, bến đỗ xe buýt, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm sách, tiệm bách hóa… bạn đều có thể bắt gặp người Nhật đang cầm trên tay một quyển sách và say sưa đọc. Người Nhật Bản vốn đã quá quen với việc đứng liên tục trong một thời gian dài. Cho nên Tachiyomi – văn hóa đứng đọc – là chuyện hết sức bình thường và có thể thấy ở hầu hết người Nhật. Họ đọc sách gần như là khắp mọi nơi. Cũng giống như là Tachigui, người Nhật đứng đọc là vì một phần quá bận rộn nên phải tranh thủ mọi thời gian có được để lại lướt qua quyển sách yêu thích.

4. 10 phút đọc sách mỗi ngày ở trường

Theo tờ Yoshiko, thói quen đọc sách ở Nhật Bản bắt đầu từ khi đi học. Các giáo viên yêu cầu học sinh đọc sách khoảng 10 phút trước khi vào tiết học. Chính sách này đã được thực hiện trong khoảng 30 năm và rất có hiệu quả vì nó hình thành thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Văn hóa đọc sách là một nét đẹp đã ngấm sâu và không dễ dàng từ bỏ đối với từng người dân Nhật Bản dù là ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Các bạn nghĩ thế nào về việc đọc sách ở Nhật, hãy chia sẻ cho VYSA cùng biết nhé!