Phú Sỹ – Đỉnh thiêng nước Nhật


Mỗi năm vào khoảng tháng 7 , tháng 8, người dân Nhật lại nô nức kéo nhau đi chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ, một biểu tượng nổi tiếng của Nhật Bản. Mỗi lần nghĩ lại chuyến đi lên đỉnh Phú Sĩ, tôi lại nhớ đến cảm giác chinh phục thật thú vị sau hơn 5 tiếng đồng hồ leo và leo ….Nếu có dịp quay trở lại , chắc chắn tôi lại muốn được lên đến đỉnh Phú Sĩ thêm một lần, để có lại được cảm giác ấy. Có một câu ngạn ngữ cổ của người Nhật thế này: Chỉ có những kẻ điên mới leo lên Phú Sỹ lần thứ hai. Thế mà tôi biết có người đã hơn 800 lần chinh phục đỉnh cao của nước Nhật và có không dưới cả chục nghìn người đã quay trở lại đỉnh núi đầy sức quyến rũ và bí ẩn này… để được làm người điên.


Đỉnh núi Phú Sỹ
Từ trên cao nhìn xuống, Fuji-san – như người Nhật vẫn gọi núi Phú Sỹ – giống như một núi bột khổng lồ (bột mì về mùa đông – bột than chì về mùa hạ). Vào những ngày đẹp trời, người ta có thể chiêm ngưỡng đỉnh núi bột này từ thủ đô Tokyo cách đó khoảng 113km. Phú Sỹ bao trùm lên tất cả. Đây không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên thiêng liêng nhất của Nhật Bản từ nhiều thế kỷ mà còn là biểu tượng và tên gọi của hàng trăm công ty, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia khổng lồ như Fuji Photo Film và Fuji Xerox. Người Nhật làm bánh xốp, bánh quy giòn và nhiều loại thức ăn kiêng khác theo hình núi Phú Sỹ. Người ta đưa núi Phú Sỹ vào nhà tắm tập thể, vào vô số những sản phẩm của Nhật Bản như một biểu tượng cho sự thanh bình và sức mạnh. Nhật Bản không có Phú Sỹ cũng như nước Mỹ không có tượng nữ thần Tự Do vậy.

Trong tiếng Nhật kế thừa từ tiếng Hàn cổ, Phú Sỹ (富士山) có nghĩa là “không gì sánh được”. Cái tên gọi có thể bắt nguồn từ chiều cao địa lý đơn thuần, đến nay vẫn đúng ngay cả khi xét theo khía cạnh tinh thần. Chẳng điều gì có thể sánh nổi với Phú Sỹ về khả năng khơi dậy tinh thần dân tộc, ngay cả trong xã hội hiện đại Nhật Bản luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân.

Đỉnh thiêng nước Nhật

Với mỗi người dân nước Nhật, Phú Sỹ lại mang một ý nghĩa riêng. “Phú Sỹ đã cứu vớt đời tôi”, một cựu binh của quân đội Nhật Hoàng trong thế chiến II nói, nhớ lại những ngày anh gần như đói lả trong khu rừng rậm ở New Guinea và chính hình ảnh đỉnh Phú Sỹ trắng tuyết – nơi anh muốn mà chưa có cơ hội đặt chân lên – đã tiếp cho anh nghị lực để vượt qua cái chết và trở về. Với một giáo viên, Phú Sỹ chính là giáo án lớn nhất. Anh lấy cái thế vươn thẳng lên trời của Phú Sỹ để dạy cho học sinh lòng can đảm và kiên định để theo đuổi những mục đích của cuộc đời. Với những người lính hàng ngày tập luyện dưới chân núi, đó là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc. Còn đối với Hikotaro Omata, một thổ dân đã chinh phục đỉnh thiêng hơn 800 lần trong 60 năm làm nghề hướng dẫn leo núi, thì Phú Sỹ đơn giản là cuộc sống của ông. Hikotaro Omata đã bước qua tuổi 80 và nước da màu đất của ông khiến tôi có cảm giác chính ông là cái hồn của Phú Sỹ.
Sự ám ảnh của lửa

Phú Sỹ là ngọn núi lớn nhất trong số 86 ngọn núi lửa vẫn đang âm ỉ ở Nhật Bản. Nằm trên một vòng cung lửa, tính từ năm 781 sau công nguyên, Phú Sỹ đã phun nham thạch không dưới 10 lần. Lần phun cuối cùng của nó vào năm 1707 đã kèm theo cả một trận động đất dữ dội (ước tính khoảng 8,4 độ richte). (Trận động đất Kobe năm 1995 cướp đi sinh mạng của 6.400 người và tàn phá rất nhiều cơ sở hạ tầng cũng chỉ ở mức 7,2 độ richte). Ngày nay những cơn địa chấn nhỏ thỉnh thoảng vẫn xuất hiện và Phú Sỹ có thể phun lửa trở lại bất kỳ lúc nào. Người dân ở đây ai cũng sợ Phú Sỹ phun lửa trở lại nhưng không ai muốn rời khỏi nó. Dễ hiểu thôi, Phú Sỹ mang cả lửa trong lòng lẫn những cơ hội vàng trên mặt đất. Mỗi năm, 25 triệu khách du lịch đổ về đây và tiêu khoảng 1,5 tỷ đô la cho một hàng trình chiếm lĩnh đỉnh cao hơn 3775m.

Vài nét về núi Phú Sỹ

Có hơn bốn triệu người đang sống và yêu nhau dưới bóng của ngọn núi Phú Sỹ. Mỗi năm vào mùa cao điểm (tháng 7,8), khoảng 400.000 người rồng rắn kéo nhau chinh phục đỉnh núi Phú Sỹ.
Núi Phú Sỹ cao 3775,8624 mét – cao hơn Fansipan của Việt Nam hơn 600m. Tuy hiên leo núi Phú Sỹ dễ hơn leo núi Fansipan vì sườn núi ở đây rất thoải, thậm chí người leo chẳng ai dùng dây thừng hay giầy đinh.
Năm 1995 người Nhật đã thu thập 2,4 triệu chữ ký để đệ đơn UNESCO công nhận núi Phú Sỹ là Di sản thế giới. Nhưng sau một cuộc viếng thăm chính thức, UNESCO đề nghị nước chủ nhà hoặc phải giải quyết vấn đề môi trường ở đây hoặc là quên việc đệ đơn đi. Lời tuyên bố này chạm đến tinh thần tự hào dân tộc cả xứ Phù Tang và người Nhật đã phát động một chiến dịch làm sạch Phú Sỹ. Chưa bao giờ người ta thấy từ già đến trẻ đổ ra núi nhặt từng mẩu rác và reo lên như thể họ nhận được chiến lợi phẩm. Ngày nay nói đến Phú Sỹ người ta lại nhắc đến chuyện này như một biểu tượn của tinh thần đoàn kết trên đất nước mặt trời mọc.

Và nếu bạn muốn chinh phục Phú Sĩ….

Hàng năm tháng 7, tháng 8 là hai tháng mà không phải là VĐV leo núi, bạn cũng có thể tham gia vào hành trình chinh phục mệt mỏi nhưng vinh quang . Đây là hai tháng duy nhất chính quyền cho phép du khách được leo đến đỉnh, trong khi bạn có thể lên đến tầng thứ 5 của núi quanh năm. Thời gian này núi Phú Sĩ không có tuyết phủ , dù nhiệt độ trên đỉnh núi có khi xuống đến gần 0 độ, trung bình khoảng 5~10 độ. Bạn có thể đi một mình hoặc với bạn bè, có thể leo một mạch không nghỉ từ đêm hoặc leo từ chiều và nghỉ lại trên tầng 8 chờ cho đến khoảng 3h sáng leo tiếp. Mục đích của tất cả mọi người leo lên đỉnh Phú Sĩ là ngắm mặt trời mọc và đón nhận tia nắng đầu tiên của ngày mới trên đỉnh cao nhất của nước Nhật.Có rất nhiều cách để đi đến Phú Sĩ, có thể đi bus từ ga Shinjuku Tokyo,hoặc đi tàu rồi chuyển sang bus , lên đến tầng thứ 5 , và bắt đầu leo.
Một lời khuyên cho những ai muốn leo lên đỉnh núi là hãy tậu một cây gậy, vừa giúp sức, lại vừa có kỉ niệm về Phú Sĩ với hang loạt dấu đóng từ tầng thứ 5 trở lên . Và hãy gửi cho những người thân yêu của bạn tấm post card từ đỉnh núi, ghi những lời yêu thương như minh chứng cho tình yêu của bạn .

Hãy thưởng thức vẻ đẹp của Phú Sĩ qua các mùa tại đây:
http://fuji-web.net/fuji/gallery/sikinofujisan.html

(Tổng hợp )

http://www.vysa.jp/modules/Submit_News/uploaddata/012.jpg
http://www.vysa.jp/modules/Submit_News/uploaddata/Fujisan-haru.jpg