Thực trạng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản


Trong số các thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn, luôn chiếm từ 10-29% tổng kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của Việt Nam từ năm 1997 đến nay. Việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đi Nhật Bản tuy biến động thất thường nhưng nhìn chung có chiều hướng phát triển khá tốt. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào Nhật trong các năm vừa qua và hiện nay của Việt Nam còn gặp phải nhiều khó khăn.


Trong số các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản thì gốm sứ, đồ gỗ nội thất và mây tre đan là các mặt hàng chính. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này chiếm từ 50-85% tổng kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ hàng năm của Việt Nam vào Nhật.
Năm 2002 kim ngạch xuất khẩu gốm sứ vào thị trường Nhật Bản tăng 82%, đạt giá trị 9,1 triệu USD, năm 2003 ước tính sẽ tăng 21% và đạt giá trị khoảng 11 triệu USD. Từ năm 1996 trở lại đây Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu mây tre đan lớn nhất của Việt Nam.
Mây tre đan Việt Nam xuất khẩu vào Nhật liên tục tăng với nhịp độ cao, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng từ 30-35% năm trong giai đoạn từ 1996 đến nay. Giá trị xuất khẩu hàng mây tre đan năm 2002 đã đạt giá trị 22,5 triệu USD.
Tuy từ năm 1997 đến nay, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất vào Nhật Bản tăng nhưng xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Nhật Bản tăng thất thường và đang có chiều hướng chững lại. Xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam năm 2000 tăng đến 79% nhưng sang năm 2001 lại giảm đến 52%.
Các yếu tố tác động đến kết quả xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản: cung, cầu, gía cả cạnh tranh và các yếu tố khác.
Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam thường không tập trung mà nằm rải rác ở rất nhiều làng nghề trong cả nước. Vì vậy, vấn đề về thu gom hàng hoá rất khó khăn nếu được đặt hàng với nhu cầu lớn.
Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam so với hàng Trung Quốc còn kém mẫu mã, chủng loại…
Nhu cầu của người Nhật về hàng thủ công mỹ nghệ rất đa dạng, thay đổi nhanh theo mùa. Vòng đời của một sản phẩm rất ngắn nên đòi hỏi các nước xuất khẩu phải rất nhanh nhạy mới có thể đáp ứng những yêu cầu đó.
Tuy nhiên, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh về giá do hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sẵn có trong nước, cơ sở sản xuất được bố trí gần nguồn nguyên liệu. Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phụ cho sản xuất khá nhỏ. Nguồn lao động cho sản xuất mặt hàng này khá dồi dào, và chi phí lao động thấp. Vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh nhìn chung không lớn.
Những vấn đề lớn đang đặt ra trong xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản: Trong 8 năm vừa qua, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung sang thị trường này. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra cho việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường Nhật Bản. Tỷ trọng hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản nói chung còn nhỏ bé so với tiềm năng thực tế.
Nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản về hàng thủ công mỹ nghệ của các nước châu Á ngày một tăng, trong đó có hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam do đáp ứng được một số yêu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản.
Luật lệ, thủ tục nhập khẩu của Nhật Bản rất rườm rà phức tạp và ngày càng cao, do đó các doanh nghiệp cần phải có chiến lược nhằm đáp ứng những yêu cầu này.
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chủ động và có chiến lược phát triển lâu dài trên thị trường này. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp vẫn làm việc theo kiểu phi vụ hợp đồng theo chuyến hàng nên tính ổn định trong xuất khẩu thấp.
Khả năng cạnh tranh của hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn thấp hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippin, Đài Loan… do chất lượng hàng hoá và khả năng tiếp cận thị trường còn yếu.

Theo (Vinanet)

1 BÌNH LUẬN

  1. CÔNG TY TNHH XNK QUỐC TẾ CHÂU PHÁT

    hiện nay công ty chúng tôi đang cần xuất khẩu hàng mây tre giang dan nếu khách hàng có nhu cầu nhập khẩu xin liên hệ với chúnh tôi theo dịa chỉ trên và số DT 0989378986 hoặc 0463264956

Comments are closed.