Cưới hỏi tại Nhật Bản


– Các buổi lễ kết hôn ở Nhật thường được cử hành theo phong cách nào?
– Mỗi đám cưới tốn khoảng bao nhiêu tiền?
– Độ tuổi kết hôn trung bình của người Nhật là bao nhiêu?
– Tỷ lệ ly hôn của người Nhật như thế nào?
– Tiền bồi hoàn cho một vụ ly hôn là bao nhiêu?
– Mỗi năm có khoảng bao nhiêu người kết hôn với người nước ngoài?

– Các buổi lễ kết hôn ở Nhật thường được cử hành theo phong cách nào?

Khoảng 70% các buổi lễ kết hôn ở Nhật được tiến hành theo phong cách của Thần đạo (Shinto), số còn lại được tiến hành theo phong cách của đạo Thiên Chúa, đạo Phật hoặc một số đạo khác. Phần lớn các đôi vợ chồng không kết hợp lễ cưới của mình với niềm tin tôn giáo. Trước đây thì thường là các lễ cưới được tổ chức tại nhà trai. Tuy nhiên kể từ thời kỳ Minh Tr ị (1868-1912) thì việc tổ chức lễ cưới tại đền thờ trở nên phổ biến hơn. Các lễ cưới tổ chức theo phong cách của đạo Thiên Chúa trên nguyên tắc là chỉ dành riêng cho các tín đồ đạo Thiên Chúa nhưng hiện nay thì tại một số nhà thờ Thiên Chúa giáo chấp nhận tổ chức lễ cưới cho những cặp tình nhân nếu họ tham dự một khoá học của đạo Thiên Chúa. Tại các khách sạn hay phòng tổ chức lễ cưới đều có các điều kiện dễ dàng để tổ chức lễ cưới theo cả phong cách Đạo giáo lẫn phong cách Thiên Chúa giáo. Các tu sĩ Đạo giáo mục sư có thể đến đó và làm lễ cho đôi trẻ. Sau khi lễ cưới đã được tiến hành xong thì tiếp đó sẽ là chụp ảnh kỷ niệm và làm tiệc cưới. Bữa tiệc cưới là bữa tiệc họ dành để mời bạn bè và người thân với mục đích thông báo về sự kết hôn của 2 người.

– Mỗi đám cưới tốn khoảng bao nhiêu tiền?

Theo như một cuộc điều tra của ngân hàng Sanwa (Nay là ngân hàng UFJ) điều tra vào năm 2001 thì trung bình một đám cưới bao gồm lễ kết hôn và tiệc cưới tốn khoảng 6 triệu 230 nghìn yên (Khoảng 900 triệu tiền Việt) và số người tham gia tiệc cưới bao gồm cả cô dâu, chú rể và người làm mối là vào khoảng 81 người. Điều này có nghĩa là trung bình cứ một người tham gia vào đám cưới tốn khoảng từ 30 đến 40 nghìn yên (4.2 đến 5.6 triệu tiền Việt). Người Nhật quan niệm đám cưới không chỉ là sự liên kết giữa 2 người mà còn là sự liên kết giữa 2 gia đình. Có điều đáng buồn là rất nhiều gia đình tổ chức đám cưới rất sang trọng tốn kém chỉ để khoe khoang với thiên hạ. Tuy nhiên thì cách thức tổ chức các đám cưới cũng đang ngày càng thay đổi vì hiện nay có khá nhiều cặp uyên ương muốn tổ chức những đám cưới đặc biệt phù hợp với riêng mình.

Do tổ chức đám cưới tốn kém nên nhiều cặp vợ chồng thường chỉ đăng ký kết hôn rồi sống với nhau. Khi nào dành dụm đủ tiền họ mới làm đám cưới.

– Độ tuổi kết hôn trung bình của người Nhật là bao nhiêu?

Theo điều tra về sự chuyển biến dân số của bộ Sức khoẻ và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản điều tra vào năm 1993 thì độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới là 29.7 tuổi và của nữ là 27.1 tuổi. Đây là số liệu thống kê của mọi loại kết hôn. Nếu tính cho đối tượng kết hôn lần đầu thì con số này là 28.4 và của nữ là 26.1 tuổi. Vào năm 1995, theo một điều tra về bạn đọc cho thấy số phụ nữ kết hôn ở độ tuổi từ 15 đến 29 giảm 10%. Đến tận những năm đầu của thập kỷ 70 thì độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ vẫn là dưới 25 nhưng hiện nay thì nó ngày càng trở nên cao hơn đối với cả nam và nữ, và số người kết hôn cũng phân bố ở phạm vi độ tuổi rộng hơn.

– Tỷ lệ ly hôn của người Nhật như thế nào?

Theo như số liệu sưu tập của bộ Sức khoẻ và Phúc lợi Xã hội Nhật thì vào năm 1993 có 190 nghìn vụ ly hôn trong tổng số 800 nghìn vụ kết hôn, điều này có nghĩa là cứ 4 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly dị. Thời gian kéo dài hôn nhân của các cặp ly dị là khoảng 10.1 năm. Số các vụ ly dị ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt và xu hướng này đã làm nảy sinh những từ mới như là: “Batsuichi” (một lần ly dị), “Narita rikon” (ly hôn ở Narita), hay là “jukunen rikon” (Ly dị lúc về già). Từ “Batsuichi” có nghĩa là có kinh nghiệm về ly dị một lần hay là đã ly dị một lần, từ này không có ý nghĩa tôn trọng phẩm giá mấy nhưng có một số phụ nữ nói từ này một cách thản nhiên mà không hề cảm thấy ngượng. Narita là tên sân bay quốc tế mới tại Tokyo. “Narita rikon” có nghĩa là đôi vợ trồng sau khi vừa hưởng tuần trăng mật xong đã tuyên bố ly hôn. Có rất nhiều cặp vợ trồng mới cưới hưởng tuần trăng mật ở nước ngoài, tuy nhiên một số cảm thấy tình cảm lạnh nhạt hoặc không hợp trong suốt chuyến đi và đã quyết đinh ly dị ngay sau khi họ trở về sân bay Narita. Từ “Jukunen rikon” được dùng để chỉ những cặp vợ chồng đã cưới nhau lâu năm nhưng lại muốn ly dị. Đây là trường hợp sau nhiều năm sinh sống vợ chồng và đã cống hiến tận tuỵ nhiều cho chồng thì người vợ muốn có được tự do cho riêng mình và đi tới quyết định ly dị. Những trường hợp như vậy thường xảy ra sau khi người chồng về hưu.

– Tiền bồi hoàn cho một vụ ly hôn là bao nhiêu?

Theo như thống kê báo cáo hàng năm của bộ tư pháp thì trung bình khoản tiền chu cấp cho vợ sau khi ly dị là khoảng 4 triệu 357 nghìn yên (Khoảng 500 triệu tiền Việt). Tuy nhiên đây chỉ là con số thống kê về những vụ việc do toà quyết định, còn đại đa số các vụ ly hôn (khoảng 90%) là do các cặp vợ chồng tự thống nhất với nhau cho nên con số thực tế sẽ khác xa rất nhiều. Yếu tố quyết định khoản tiền chu cấp phụ thuộc vào khoảng thời gian kết hôn, khả năng tài chính của 2 vợ chồng và nguyên nhân của cuộc ly dị. Về khoản tiền trợ cấp cho con cái khi 2 vợ chồng ly dị thường là 30 nghìn yên một tháng trong trường hợp một con, nếu 2 con thì là 50 nghìn yên một tháng, tuy nhiên khoản tiền này cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng kinh tế của đôi vợ chồng đó.

– Mỗi năm có khoảng bao nhiêu người kết hôn với người nước ngoài?

Theo như điều tra về sự chuyển dịch dân số của bộ Sức khoẻ và Phúc lợi Xã hội thì trong năm 1993, số cặp vợ chồng đăng ký kết hôn có chồng là người Nhật và vợ là người nước ngoài là 20 nghìn 92 trường hợp, số cặp vợ chồng có chồng là người nước ngoài và vợ là người Nhật là 6 nghìn 565 trường hợp. Trong vòng 10 năm trở lại đây, số trường hợp đàn ông Nhật Bản lấy vợ là người nước ngoài tăng khoảng 5 lần. Tính theo quốc tịch thì đông nhất là phụ nữ Hàn Quốc, chiếm khoảng 25.2%, kế tiếp là phụ nữ Trung Quốc chiếm 23.4%. 42.1% số các lang quân người nước ngoài là người Hàn Quốc, 21.0% là người Mỹ và 11.7% là người Trung Quốc.